Trở lại xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai lần này, chúng tôi thấy có nhiều thay đổi, từ xã đặc biệt khó khăn còn trên 60% hộ nghèo; đến nay, đời sống của nhân dân đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,1%, xã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới.
Thành viên HTX Nhân Thuận, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai, trao đổi kỹ thuật trồng cây thiên niên kiện.
Bà Hoàng Thị Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Những năm đầu sau thực hiện di dân TĐC thủy điện Sơn La, do phần lớn diện tích đất sản xuất nằm trong vùng ngập, nên sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là khai thác tiềm năng mặt hồ nuôi thủy sản và tập trung quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Hiện nay, Cà Nàng là một trong những xã có diện tích rừng lớn nhất của huyện Quỳnh Nhai, với 10.664 ha rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 64%. Từ nhiều năm nay, Cà Nàng đã trở thành điểm sáng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hằng năm, xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện rà soát, xác định ranh giới vùng quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp để hướng dẫn nhân dân canh tác và triển khai chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững.
Năm 2024, Cà Nàng có hơn 7.000 ha rừng đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường, trong đó có 7 chủ rừng là cộng đồng bản được chi trả 3 tỷ 578 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng. Xã đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện và Chi nhánh Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Thuận Châu - Quỳnh Nhai hướng dẫn, giám sát việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng theo đúng quy chế đã được phê duyệt.
Anh Hà Trọng Tài, cán bộ kiểm lâm địa bàn, thông tin: Ban quản lý các bản, tổ bảo vệ rừng, cùng với cán bộ kiểm lâm thường xuyên tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ, PCCCR. Nhiều năm qua, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên ở Cà Nàng được bảo vệ, phát triển tốt, không những tạo thêm sinh kế từ nghề rừng, mà từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đã giúp các bản có điều kiện xây dựng các công trình phục vụ đời sống và sản xuất cho bà con. Hiện nay, 7/7 bản đều có đường bê tông, hệ thống điện chiếu sáng được xây dựng từ nguồn dịch vụ môi trường rừng.
Khai thác hiệu quả tiềm năng, phát triển kinh tế rừng, năm 2020, xã đã thành lập HTX Nhân Thuận ở bản Pạ Lò với 11 thành viên, chuyên trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Ông Lò Văn Châư, Giám đốc HTX, chia sẻ: Sau khi đi tham quan tại một số tỉnh và khảo sát nhu cầu thị trường cây dược liệu, được chính quyền xã và ban quản lý bản tạo điều kiện, HTX đã đầu tư trồng thử nghiệm 3 ha cây khôi nhung và thiên niên kiện dưới tán rừng. Năm 2022, thu hoạch khoảng 400 kg lá khôi nhung khô, giá bán từ 100.000-150.000 đồng/1 kg; đến năm 2023 thu hoạch 800 kg củ thiên niên kiện khô, giá bán 40.000 đồng/kg. Đến nay, HTX đã phát triển lên 21 thành viên và mở rộng diện tích lên 50 ha ở các bản, trong đó chủ yếu trồng cây thiên niên kiện.
Dẫn chúng tôi vào khu vực trồng cây dược liệu của HTX, dưới tán rừng ẩm ướt được phủ kín bởi màu xanh của cây thiên niên kiện, ông Châư bảo, đây là loại cây sống lâu năm, thân cây là phần củ nằm dưới đất, phát triển nhanh ở những nơi có độ ẩm cao, nhiều mùn. Cây thiên niên kiện thu hoạch vào mùa xuân và mùa thu, phần dược liệu là củ, rễ già.
Theo đông y, thiên niên kiện có công dụng trừ phong thấp, mạnh gân cốt, trị các chứng đau thắt lưng, đầu gối, sưng khớp, chân co rút tê bại. Do là cây có nguồn gốc tự nhiên, trồng một lần, khi thu hoạch chỉ cần để lại một phần củ dưới đất là cây sẽ mọc trở lại. Còn đối với cây khôi nhung, là dược liệu quý được dùng trong đông y chữa chứng viêm loét dạ dày, tá tràng, dị ứng, nổi mề đay, mẩn ngứa.
Hiện nay, HTX Nhân Thuận đang tập trung ươm cây giống và liên kết với các hộ trong xã mở rộng diện tích, khi có sản phẩm, HTX sẽ bao tiêu. Theo tính toán, trồng từ năm thứ 3 trở đi, mỗi hecta cây khôi nhung và thiên niên kiện sau khi trừ chi phí sẽ cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm nay, xã Cà Nàng đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, cùng với vận động nhân dân tập trung thâm canh 610 ha cây lương thực và các loại cây trồng trên nương, chăn nuôi hơn 3.000 con đại gia súc, nuôi 40 lồng cá nuôi trên lòng hồ thủy điện Sơn La, chính quyền xã chỉ đạo các bản sử dụng một phần tiền dịch vụ môi trường rừng hỗ trợ cây giống cho bà con mở rộng diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp hướng dẫn HTX và người dân sơ chế, bảo quản, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ngọc Thuấn