TMO - Với mục tiêu đa dạng kênh bán hàng, bắt nhịp với sự bùng nổ của công nghệ số, thời gian qua nhiều chủ thể, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số.
Thương mại điện tử là một trong những trụ cột góp phần tăng trưởng quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam hiện nay. Đối với ngành nông nghiệp, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2021-2025, việc đẩy mạnh hoạt động xây dựng thương hiệu, tuyên truyền quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên phương tiện số là một trong những giải pháp trọng tâm của chương trình.
Hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử giúp xây dựng thương hiệu, quảng bá và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của các địa phương. Trong đó Sơn La là một trong những địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tiêu thụ nông sản.
Trước đây, các sản phẩm nông nghiệp của huyện Sông Mã chủ yếu được tiêu thụ qua các chợ truyền thống và thương lái. Điều này không chỉ giới hạn thị trường mà còn khiến người nông dân phụ thuộc vào các trung gian, gây ra biến động giá và giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, với sự ra đời và phát triển của thương mại điện tử, nông dân huyện Sông Mã đang có cơ hội tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, mở rộng quy mô kinh doanh không chỉ trong nước mà còn ra quốc tế.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã cho biết, Sông Mã hiện có trên 10.870 ha cây ăn quả các loại. Hiện nay, huyện đang duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trong sản xuất nông nghiệp với trên 892 ha cây ăn quả, như nhãn, xoài, bưởi, cam... Duy trì, phát triển 47 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn.
Bên cạnh đó huyện đã phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I Cục Bảo vệ thực vật đánh giá và cấp 48 mã số vùng trồng, với gần 482ha, sản lượng trên 4.500 tấn; trong đó, 12 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, 23 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 13 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand.
Toàn huyện có 74 HTX, hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 7 đơn vị có sản phẩm bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, phần lớn còn lại là bán hàng trên các mạng xã hội. Nhận thấy tiềm năng của thương mại điện tử trong việc giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, các ngành chức năng của huyện Sông Mã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân và các HTX, như tổ chức các chương trình đào tạo về kỹ năng kinh doanh trực tuyến, ứng dụng công nghệ vào quản lý sản phẩm, và xây dựng thương hiệu...
Nông sản của tỉnh Sơn La được quảng bá, xúc tiến tiêu thụ tại nhiều thị trường (Ảnh minh hoạ).
Đặc biệt huyện còn phối hợp với Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn và livestream giới thiệu các sản phẩm OCOP của Sơn La do các KOL, KOC (người có sức ảnh hưởng, những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) trực tiếp thực hiện và hướng dẫn. Tổ chức diễn đàn chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với chủ đề “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương cho 400 đại biểu.
Một trong những sáng kiến tiêu biểu là việc liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee và Tiki để nông dân có thể đưa sản phẩm của mình lên nền tảng, tiếp cận với hàng triệu người tiêu dùng. Cùng với đó là các doanh nghiệp, HTX tự xây dựng những fanpage của mình để tăng khả năng đưa nông sản tiếp cận đến người tiêu dùng, như Facebook, Zalo, Tiktok... Ngoài ra, huyện Sông Mã cũng đã hỗ trợ kỹ thuật để giúp nông dân quen thuộc với các công cụ như thanh toán trực tuyến, vận chuyển và quản lý đơn hàng.
Ứng dụng nền tảng thương mại điện tử, chuyển đổi số đã giúp các HTX mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Tham gia chương trình OCOP huyện Sông Mã, các HTX triển khai quảng bá sản phẩm nông sản bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, mạnh dạn thử nghiệm bán các sản phẩm mật ong trên các sàn thương mại điện tử, như: Postmart.vn, Sanviet.vn, Topmaxsale.vn, Vinmart.com, Lazada.vn, Shopee.vn, Tiki.vn... Chỉ trong một thời gian ngắn, doanh thu của các HTX đã tăng gần gấp đôi so với trước khi chỉ dựa vào thị trường truyền thống.
Ngoài ra, các HTX còn bán hàng trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok, tích hợp mã QR truy xuất nguồn gốc... Do đó, gặp nhiều thuận lợi, hàng bán được nhiều hơn, đã có nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của mình.
Tương tự, các HTX khác trên địa bàn huyện Sông Mã đã gặt hái được thành công lớn khi áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử. Việc tích hợp mã QR trên mỗi sản phẩm giúp người tiêu dùng dễ dàng theo dõi quá trình sản xuất, từ đó tăng cường niềm tin và sự lựa chọn của họ.
Việc chủ động các biện pháp xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ trên các nền tảng số sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho đa số người tiêu dùng trong việc ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa nông sản hay sản phẩm OCOP. Đây là giải pháp tối ưu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân của tỉnh Sơn La nói riêng và các địa phương khác trên cả nước nói chung có thể đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng ở khắp mọi miền một cách tiện lợi và nhanh chóng.
Vũ Việt