Ở tỉnh miền núi Sơn La, mô hình “Ngôi nhà xanh gây quỹ từ thiện” của các cấp hội Phụ nữ thu hút được đông đảo hội viện phụ nữ và nhân dân tham gia. Đây không chỉ là nơi tập kết rác thải nhựa, mà tiền bán phế liệu thu được từ “Ngôi nhà xanh” còn được sử dụng gây quỹ từ thiện, giúp đỡ các hội viên, nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Đã thành thói quen, gần 2 năm nay, cứ vào chủ nhật cuối tháng, nhiều người dân, cùng chị em phụ nữ ở tổ 4, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La lại mang các loại rác thải nhựa, phế liệu có thể tái chế, đã được thu gom, phân loại đến tập kết tại “Ngôi nhà xanh gây quỹ từ thiện” của chi hội phụ nữ tổ.
Anh Hoàng Minh Việt, người dân ở tổ 4 chia sẻ: Nhận thức được tác hại của rác thải nhựa ra môi trường rất nguy hại, trong khi lại có hoạt động thu gom rác thải nhựa của chị em phụ nữ gây quỹ từ thiện giúp người nghèo, anh và mọi người thấy rất ý nghĩa nên tích cực hưởng ứng.
Ngôi nhà xanh gây quỹ từ thiện của các cấp Hội Phụ nữ Sơn La là điểm tiếp nhận rác thải nhựa và phế liệu có thể tái chế.
Theo bà Phạm Thị Thinh, chi hội trưởng chi hội phụ nữ tổ 4, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La: “Ngôi nhà xanh gây quỹ từ thiện” của phụ nữ tổ được triền khai từ cuối năm 2022, trên cơ sở tận dụng tôn, thép để đóng lại thành ngôi nhà di động, để chị em phụ nữ, nhân dân đựng, tập kết rác thải nhựa. Cứ đều đặn chủ nhật tuần cuối tháng, chị em phụ nữ lại cùng nhau đến “Ngôi nhà xanh gây quỹ từ thiện” để phân loại rác thải mang bán phế liệu. Đến nay, mô hình “Ngôi nhà xanh” của phụ nữ tổ đã thu gom khoảng 10 tấn rác thải nhựa, thu gần 10 triệu đồng gây quỹ.
“Chúng tôi cố gắng duy trì, phát huy tốt hơn và kêu gọi nhiều hơn chị em phụ nữ chung tay vào để thực hiện tốt hơn mô hình thu gom rác thải nhựa. Để làm sao giữ được môi trường xanh-sạch-đẹp và giúp được các hoàn cảnh khó khăn”. - Bà Thinh nói thêm.
Từ 10 mô hình điểm “Ngôi nhà xanh gây quỹ từ thiện” với gần 400 thành viên phụ nữ, đến nay, Hội Phụ nữ các cấp ở tỉnh Sơn La đã nhân rộng thêm 68 điểm thực hiện mô hình tại 12 huyện, thành phố, với trên 2.700 thành viên tham gia hoạt động tích cực. Trung bình mỗi tháng, các mô hình đã thu gom, phân loại một lượng lớn rác thải nhựa và các loại phế liệu có thể tái chế. Mỗi mô hình có thu từ 300 đến 500 nghìn đồng từ hoạt động này.
Hàng tháng chị em phụ nữ tổ chức phân loại rác thải nhựa, bán phế liệu gây quỹ từ thiện.
Bà Vi Thị Bình, phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La cho biết: “Hội LHPN tỉnh tiếp tục tuyên tuyền đến hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện tốt công tác phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa. Chúng tôi sẽ nhân rộng các mô hình điển hình đã hoạt động hiệu quả. Tuyên tuyền về sự hữu ích của ngôi nhà xanh, khuyến khích các huyện, thành phố áp dụng tại địa phương của mình”.
Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, mỗi năm, tổng lượng chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn trung bình khoảng trên 10.630 tấn. Trong đó, lượng chất thải nhựa thu gom ước đạt gần 8.400 tấn/năm, còn lại là lượng chưa thu gom được. Cùng với mô hình “Ngôi nhà xanh gây quỹ từ thiện”, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều mô hình của đoàn viên thanh niên như: “Đổi giấy, nhựa, vỏ lon lấy cây xanh”, “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”, “Sáng chế đồ chơi, đồ lưu niệm từ vỏ lon, chai nhựa”…
Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuyển từ sử dụng nước uống đóng chai nhựa sang sử dụng bình thủy tinh, chai đựng nước bằng giấy và các vật liệu khác thân thiện với môi trường; không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm tối đa việc sử dụng túi nilon khó phân hủy.
Từ mô hình "Ngôi nhà xanh", hàng tháng, một lượng lớn rác thải nhựa đã được chị em phụ nữ miền núi Sơn La thu gom, phân loại và mang bán phế liệu gây quỹ từ thiện.
Ông Thiều Quang Phi Hùng, phó trưởng phòng quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Sơn La cho biết: “Việc triển khai thực hiện các mô hình trên cũng đã góp phần thúc đẩy, tuyên truyền phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa và nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần. Những hoạt động này cũng góp phần tạo thành thói quen thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế đối với rác thại nhựa sinh hoạt hàng ngày của người dân, tổ chức, cá nhân”.
Rác thải nhựa không được thu gom, xử lý đúng quy định sẽ làm ô nhiễm môi trường sống, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Bởi, mỗi chất thải nhựa có thời gian phân hủy khác nhau từ mấy chục năm, trăm năm, thậm chí có loại đến cả nghìn năm. Mỗi người dân bằng những "hành động nhỏ - ý nghĩa lớn" của mình sẽ góp sức chung tay phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, vì môi trường, cuộc sống xanh./.
Nguyễn Thị Bích Thủy/VOV Tây Bắc