(trangtraiviet.danviet.vn) - "Khi mới bắt tay vào làm, vợ chồng em đã từng gạt nước mắt, đổ đi hàng chục kg tỏi đen cũng chỉ bởi mình chưa tiếp cận được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, chưa đưa công nghệ số vào các khâu sản xuất, chế biến mặt hàng này" - Chị Nguyễn Thị Yến Linh, Giám đốc HTX Tây Bắc (huyện Yên Châu, Sơn La) bảo vậy.
Bỏ nghề báo, ứng dụng công nghệ số làm Tỏi đen Diệp Bách để "cứu chồng"
Có mặt tại HTX Tây Bắc ( xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, Sơn La) – địa chỉ sản xuất tỏi đen mang thương hiệu "Tỏi đen Diệp Bách" – Sản phẩm OCOP 4 sao, nổi tiếng khắp cả nước, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi sự tấp nập của hợp tác xã nông nghiệp nơi vùng cao này. Khu xưởng chế biến có nhiều bộ phận đang làm việc hăng say: phân loại hàng thô, rửa, phơi, thái lát, hong sấy, đóng gói, kiểm định, dán tem mác, vận chuyển hàng… Công nhân là những bà, những chị người dân tộc Thái trong vùng, vốn là nông dân nhưng phong cách làm việc rất nhanh, gọn, sạch sẽ và chính xác một cách chuyên nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Yến Linh – Giám đốc HTX Tây Bắc mở đầu buổi làm việc với chúng tôi bằng một câu chuyện không vui: Trước đây, em làm ở Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Bắc Yên (Sơn La). Năm 2015, khi chồng em và một số bạn của anh ấy quyết định đầu tư sản xuất mặt hàng tỏi đen này nhưng chưa thành công, phải đem đổ đi hàng chục kg sản phẩm trong khi vốn thì đang phải đi vay từng đồng. Sau khi bàn bạc với chồng, em quyết định bỏ nghề báo, về đây giúp chồng làm tỏi đen.
Chị Nguyễn Thị Yến Linh – Giám đốc HTX Tây Bắc giới thiệu những sản phẩm mới, được chế biến từ nông sản Yên Châu của HTX.
Với tố chất năng động, linh hoạt, lại thêm những kỹ năng báo chí tích tụ được trong nhiều năm trước, chị Linh quyết định theo đuổi khát vọng làm tỏi đen của chồng mình bằng một phương pháp khoa học hơn. Trước hết, chị Linh khảo sát thị trường nguyên liệu tỏi tươi trên địa bàn huyện, trong tỉnh để đánh giá qui mô đầu tư, chất lượng bước đầu thông qua chất lượng nguyên liệu.
Sau khi thấy rằng, địa bàn huyện Yên Châu có rất nhiều xã, bản đang trồng tỏi, có năng suất khá cao, chất lượng tốt, hoàn toàn có thể hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn cho việc sản xuất hàng hóa với sản phẩm là tỏi đen; chị Linh cùng gia đình yên tâm bắt tay vào nghiên cứu phương pháp chế biến tỏi đen từ nguyên liệu tỏi tươi sẵn có trên thị trường nội huyện.
Sản phẩm tỏi đen Diệp Bách của HTX Tây Bắc đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, hiện đang được phân phối tại nhiều tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc.
"Đồng vốn ngày ấy ít ỏi, toàn phải đi vay cho nên chúng em không dám đầu tư mua máy móc hiện đại. Chúng em phải lên mạng tìm hiểu thông tin về qui trình chế biến, về máy sấy, về qui cách ủ men… để tạo ra được sản phẩm tỏi đen hoàn toàn sạch, không có sự can thiệp của hóa chất mà sản phẩm vẫn bổ và ngon về chất lượng, đẹp về hình thức, giá thành hạ mà bảo quản lại được lâu. Với ngần ấy tiêu chí, chúng em mất hàng tháng trời tìm kiếm thông tin, ứng dụng thử nghiệm, đi qua nhiều thất bại để đến được thành công. Cũng may là Nhà nước rất quan tâm phát triển công nghệ thông tin; thông thoáng trong việc quản lý mạng xã hội nên việc tìm kiếm thông tin trợ giúp của chúng em rất thuận lợi. Bây giờ, tỏi đen Diệp Bách của HTX Tây Bắc đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao, HTX có thể sản xuất hơn 3 tấn tỏi đen mỗi tháng, nhiều khi không có hàng để bán rồi", chị Linh kể vậy.
Lấy công nghệ làm chìa khóa phát triển HTX
Chỉ vào sạp hàng mẫu với hàng chục sản phẩm được chế biến từ các nông sản khác nhau: Mít sấy khô, chuối sấy khô, rượu tỏi đen…, chị Nguyễn Thị Yến Linh bảo: Sau khi sản phẩm Tỏi đen Diệp Bách thành công, trở thành mặt hàng HOT, HTX Tây Bắc tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số để phát triển thêm nhiều mặt hàng mới. Những sản phẩm mới này của HTX lấy nguyên liệu hoàn toàn từ nguồn nông sản trong tỉnh, trong huyện, vừa góp phần tiêu thụ nông sản cho bà con, vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục xã viên trong HTX. Đồng thời, đáp ứng tiêu chí thi đua của phong trào "Mỗi xã một sản phẩm".
Kể từ khi thành lập, HTX Tây Bắc đã nhiều lần được khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương...
Để có được những quyết định mạnh bạo ấy, HTX Tây Bắc đã có những buổi thảo luận rất sôi nổi về việc phát triển thêm những sản phẩm mới. Bà Lò Thị Lưa, thành viên HTX Tây Bắc, trú tại bản Huổi Hẹ, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Tôi vốn chỉ là nông dân. Từ khi tham gia HTX, tôi được hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bàn, máy tính bảng để kết nối internet, liên kết với mạng xã hội, tìm kiếm thông tin hữu ích cho công việc của mình, của HTX. Với những sản phẩm của HTX Tây Bắc làm ra, chúng tôi đều được giao những nhiệm vụ tìm hiểu khác nhau như: Nguồn nguyên liệu ở đâu? Thời điểm nào thu mua thuận lợi? Phương pháp sơ chế và chế biến sâu như thế nào? Cách bao gói, cách bảo quản hàng hóa ra sao? Thị trường tiêu thụ ở đâu?... Nhờ những thông tin hữu ích trên mạng, chúng tôi tự nâng cao hiểu biết cho chính mình và đi đến những lựa chọn đầu tư có tính đồng thuận rất cao trong tập thể HTX Tây Bắc.
Đưa chúng tôi đi thăm dây chuyền chế biến của HTX với gần chục đầu máy sấy, máy ủ men với những nút vận hành khá phức tạp, chị Nguyễn Thị Yến Linh, cho biết thêm: Hiện nay, thị trường máy móc phục vụ công nghệ chế biến rất đa dạng với nhiều chủng loại khác nhau, giá thành chênh lệch rất lớn. Cũng nhờ có những thông tin phong phú trên mạng nên chúng tôi đã lựa chọn đầu tư những máy móc công nghệ phù hợp nhất với nhu cầu và năng lực của mình; thậm chí, có một số thiết bị thành phần mà có thể tự gia công được là chúng tôi tìm kiếm thông tin để tự chế; tránh được những lãng phí không đáng có trong đầu tư mua sắm mà lại thu được hiệu quả cao. HTX Tây Bắc chúng tôi hy vọng rằng, dưới sự quan tâm định hướng đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và sự phát triển của nền nông nghiệp Sơn La, HTX chúng tôi sẽ có thêm rất nhiều sản phẩm OCOP chất lượng tốt, giá thành hạ, sản lượng lớn để góp phần thúc đẩy chuỗi sản xuất của Sơn La thêm những thành công mới.
Theo: trangtraiviet.danviet.vn