Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/1/2021 về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các huyện, thành phố của tỉnh Sơn La đã có nhiều giải pháp hữu hiệu. Trong đó, nổi bật là huyện Mai Sơn, nơi được xem là vựa cây ăn quả lớn, nhờ triển khai tốt việc gắn chế biến nông sản với việc mở rộng liên kết sản xuất…
Nhà máy chế biến cà-phê Sơn La được đầu tư xây dựng đã giúp tỉnh Sơn La gắn kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu.
Hiện nay, huyện Mai Sơn có sáu công ty chế biến cà- phê, mía, sắn, hoa quả quy mô công nghiệp và hàng trăm cơ sở chế biến nhỏ lẻ đang hoạt động. Mỗi năm, các cơ sở này thu mua khoảng 700.000 tấn nông sản các loại của người dân trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Việt Cường, Bí thư Huyện ủy Mai Sơn thông tin: Mai Sơn là vựa trái cây lớn của tỉnh Sơn La với 11.500 ha cây ăn quả, trong đó diện tích cây ăn quả sản xuất theo hướng công nghệ cao đạt 4.297 ha. Diện tích liên kết trong sản xuất của Mai Sơn đạt 9.860 ha, chiếm 8,5% tổng diện tích đất nông nghiệp của huyện.
Để triển khai tốt, huyện đã thành lập tổ công tác phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, định hướng nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp các cơ sở rà soát diện tích đất có thể phát triển mở rộng vùng nguyên liệu.
Tại Mai Sơn, có nhiều đơn vị đã làm rất tốt việc mở rộng liên kết sản xuất gắn với chế biến nông sản. Ngoài việc tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương, các đơn vị còn góp phần thúc đẩy việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân, như Công ty cổ phần Mía đường Sơn La là điểm sáng trong việc liên kết sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu.
Công ty đang xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân trồng mía, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nông dân phát triển vùng nguyên liệu với hơn 10.000 hộ trên địa bàn Mai Sơn, Yên Châu, trồng hơn 9.000 ha mía, năng suất 65 tấn mía cây/ha. Sản lượng mía bình quân đạt 550.000-650.000 tấn/năm. Hằng năm, công ty đầu tư 200-220 tỷ đồng cho sản xuất vùng mía nguyên liệu, trong đó, hỗ trợ không hoàn lại khoảng 50 tỷ đồng...
Tỉnh Sơn La là địa phương có diện tích trồng cà-phê lớn. Nhiều năm trước, việc sản xuất, chế biến cà-phê gây ô nhiễm môi trường tại các huyện, thành phố, trong đó có huyện Mai Sơn là vấn đề được dư luận quan tâm. Chỉ đến khi, tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý, đặc biệt là quan tâm đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn, thì tình trạng ô nhiễm môi trường từ chế biến cà-phê đã giảm đáng kể. Hiện tại, Mai Sơn có hơn 1.000 ha trồng cà-phê của 1.560 hộ tại các xã được công nhận vùng ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, vùng công nhận cho Công ty cổ phần chế biến cà-phê Sơn La có diện tích chứng nhận 368,1 ha...
Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp huyện Mai Sơn cho biết: Công ty cổ phần Chế biến cà-phê Sơn La mới đi vào hoạt động năm 2023 nhưng rất chú trọng việc thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất với nông dân. Công ty đã liên kết sản xuất cà-phê ứng dụng công nghệ cao với 684 hộ ở tám bản của ba xã Chiềng Ban và Chiềng Chung và Chiềng Dong với sản lượng niên vụ 2023-2024 khoảng 6.000 tấn. Đến thời điểm này, công ty đã làm tốt việc phối hợp triển khai liên kết sản xuất cây cà-phê gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện theo hướng bền vững, khép kín thông qua các hợp tác xã.
Cùng với đó, việc quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến đã góp phần giúp Mai Sơn thúc đẩy nông nghiệp chuyển dịch đúng định hướng, tăng giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác. Đồng thời, huyện đã có nhiều giải pháp trong việc vận động nông dân, các hợp tác xã liên kết, nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi an toàn đối với các nông sản chế biến khác, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng. Một số nhà máy, cơ sở chế biến nông sản, như: Mía đường, tinh bột sắn, cà-phê... đã và đang hoạt động ổn định, góp phần phát triển vùng nguyên liệu và tăng thu cho ngân sách.
Ông Hào thông tin thêm: Mai Sơn có 51 doanh nghiệp, hợp tác xã đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; diện tích cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng đạt 1.217 ha; có sáu công ty chế biến cà-phê, mía, sắn, hoa quả quy mô công nghiệp và hàng trăm cơ sở chế biến nhỏ lẻ đang hoạt động, mỗi năm thu mua khoảng 700 nghìn tấn nông sản các loại cho nông dân, và năm cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đây là điều kiện thuận lợi, phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến.
Trong lộ trình phát triển công nghiệp chế biến gắn với tiêu thụ nông sản cho người dân, Mai Sơn đang tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ các cơ sở chế biến nông sản, bảo đảm có vùng nguyên liệu tập trung, ổn định lâu dài, gắn với thị trường trong nước và nước ngoài. Đồng thời, huyện tập trung triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản; tăng cường xúc tiến đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở thu mua, chế biến nông sản trên địa bàn; làm cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân, thúc đẩy việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Quốc Tuấn và Quỳnh Ngọc