(bienphong.com.vn) - Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là địa bàn có tài nguyên du lịch cộng đồng phong phú bậc nhất nước ta. Bên cạnh các chính sách của Nhà nước, chính đồng bào các dân tộc thiểu số phải có trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bởi đây là nhân tố rất quan trọng để phát triển du lịch.
Bình yên bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Phương Liên
Bản du lịch cộng đồng Tà Số, xã Chiềng Hắc được ví như một cao nguyên trên cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Nơi đây đang là điểm đến mới nổi hấp dẫn khách du lịch bởi hội tụ vẻ đẹp hùng vĩ do mẹ thiên nhiên ban tặng và bản sắc văn hóa đặc trưng của gần 200 hộ, 1.200 nhân khẩu người dân tộc Mông. Trải qua nhiều thăng trầm cùng thời cuộc nhưng người Mông nơi đây vẫn giữ được nguyên bản nét văn hóa, phong tục truyền thống độc đáo của dân tộc mình. Bản Tà Số còn khiến du khách trầm trồ, thán phục trước sự cần cù, sáng tạo của người Mông nơi đây khi họ là chủ nhân tạo ra những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, những vườn hoa mận trắng tinh khôi khi xuân sang, những ngôi nhà trình tường đều làm theo một mẫu truyền thống.
Như bao miền quê khác, trước đây, người Mông ở Tà Số chỉ biết trông vào một vụ thu hoạch mận để có thêm đồng tiền trang trải cuộc sống. Bây giờ thì khác. Vẫn là cây mận đó nhưng không chỉ còn chức năng lấy quả nữa. Trải nghiệm mùa hoa mận khi xuân tới đang trở thành một sản phẩm du lịch thú vị cho du khách. Tà Số mang lại cho du khách những ấn tượng không thể nào quên khi lạc lối giữa mùa hoa mận, được tự mình ngồi vào khung dệt, tự tay thêu sản phẩm thổ cẩm, thưởng thức các món ăn của người Mông, ngủ trong ngôi nhà trình tường của đồng bào. Anh Mùa A Hạng, một người con của bản Tà Số vui vẻ cho biết, khi có khách du lịch tới bản, bà con sẽ tận dụng được những khoảng thời gian nông nhàn để tăng thêm thu nhập. Vì thế, ai cũng muốn góp phần bảo tồn cảnh sắc thiên nhiên, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Mông để lôi cuốn khách du lịch về bản nhiều hơn.
Bản Tà Số là một trong khoảng 300 làng du lịch cộng đồng ở Việt Nam - theo số liệu ước định của Tổng cục Du lịch. Việt Nam cũng có khoảng 5.000 homestay. Hầu hết các làng du lịch, các homestay là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - địa bàn có tài nguyên du lịch cộng đồng phong phú bậc nhất nước ta. Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch dựa vào tài nguyên của cộng đồng, do cộng đồng chủ động tham gia xây dựng sản phẩm quản lý và vì lợi ích của cộng đồng. Theo một nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng, du lịch cộng đồng đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn sinh kế mới cho người dân vùng cao. Ở các điểm du lịch cộng đồng tại Sa Pa (Lào Cai) có tốc độ xóa đói giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn bản không có du lịch.
Bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo là nhân tố rất quan trọng để phát triển du lịch (Trong ảnh: Nghề làm giày thêu của người Xạ Phang ở bản Thèn Pả, xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Phương Liên
Bàn về kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai, bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, với phương châm lấy văn hóa dân tộc làm nền tảng và kim chỉ nam cho việc tạo ra các thế mạnh, các sản phẩm du lịch, đồng thời, gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số để thu hút khách du lịch, từ năm 1998, trên cơ sở triển khai thí điểm hai mô hình du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo ở thôn Bản Dền, xã Bản Hồ và thôn Cát Cát, xã San Sả Hồ (Sa Pa), tỉnh đã nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng sang các địa phương khác và là địa phương tiên phong đưa ra sáng kiến “biến di sản thành tài sản”.
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai còn tích cực bảo tồn không gian văn hóa làng cổ tiêu biểu thôn Cát Cát của người Mông ở San Sả Hồ; thôn Sả Chén của người Dao đỏ ở xã Tả Phìn; thôn Bản Dền của người Tày ở xã Bản Hồ; thôn Trung Đô của người Tày ở xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà; làng văn hóa truyền thống của người Hà Nhìn tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát. Cách làm sáng tạo của Lào Cai dựa trên khai thác thế mạnh du lịch văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng.
Tiềm năng, lợi ích là vậy, song vấn đề đặt ra hiện nay là đa số đồng bào đang làm du lịch tự phát nên rất cần được đào tạo chuẩn hóa về kiến thức, kỹ năng cung ứng dịch vụ du lịch, thái độ giao tiếp, các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách - ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu quan điểm.
Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một động lực quan trọng để xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng muốn phát triển du lịch cộng đồng bền vững, đòi hỏi các địa phương phải phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, phù hợp với từng vùng, có quy hoạch và chọn lọc, hấp dẫn với từng đối tượng du khách. Không ai khác, chính đồng bào các dân tộc thiểu số phải có trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bởi đây là tiềm năng để phát triển du lịch - theo bà Lê Thị Thanh Hòa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam.
Nói một cách đơn giản hơn, đồng bào phải giữ gìn nghề thủ công truyền thống, lưu giữ kho tàng văn hóa phi vật thể như ẩm thực, nghệ thuật dân gian, trò chơi dân gian, tín ngưỡng dân gian... cũng như phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, kiến trúc nhà ở mang sắc thái riêng của dân tộc mình. Bên cạnh đó, đồng bào cần nghiên cứu xây dựng các chương trình trải nghiệm như hội thi bắt cá suối, quăng chài, thả lưới bắt cá ao, tham gia dệt thổ cẩm, chế biến món ăn... để tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác lạ thì mới lôi cuốn và níu chân du khách đến với bản làng mình, từ đó, mang lại nguồn thu nhập cho chính mình. Muốn du lịch phát triển bền vững cần thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống và cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Theo: bienphong.com.vn