Nhờ áp dụng chuyển đổi số trong phát triển mô hình vườn, ao, chuồng, thanh niên ở Phù Yên, tỉnh Sơn La đã có thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi tháng, trở thành điểm sáng trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế của thanh niên Sơn La.
Thanh niên Hà Văn Sáng, 28 tuổi ở bản Nguồn, xã Mường Lang, huyện Phù Yên (Sơn La) trước đây từng đi làm công nhân ở ngoài tỉnh, tuy nhiên, thu nhập hàng tháng trừ các loại chi phí, số tiền dành dụm được chẳng đáng là bao. Vì vậy, bản thân anh luôn ấp ủ làm công việc nào đó tại địa phương để vừa có thu nhập ổn định, vừa được ở gần nhà.
Sau thời gian vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh miền xuôi, anh quyết định về địa phương, tận dụng diện tích đất có sẵn của gia đình và từng bước thực hiện mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng gắn với phát triển nội dung số.
hững video mộc mạc, gần gũi ở bản làng yên bình của Hà Văn Sáng đã thu hút hàng triệu lượt xem.
“Mô hình của tôi có ít bạn làm vì khá mới mẻ, nhưng mình có đam mê đồ công nghệ, những trang thiết bị về máy móc quay phim, thiết bị ghi hình, ghi âm; thêm nữa là trước khi xây dựng dự án này, mình đã tìm hiểu trên mạng rất nhiều và học hỏi từ những người đi trước, họ có kiến thức và họ đã chia sẻ cho mình biết”, anh Hà Văn Sáng chia sẻ.
Từ những video chân thật, gần gũi về cuộc sống, lao động thường ngày, như làm nương, làm ruộng, hái măng rừng... có cả phụ đề tiếng Anh, dần dần, các video anh làm ra đã thu hút sự quan tâm của nhiều người; lượt xem, lượt theo dõi, chia sẻ cứ thế ngày càng tăng, nhờ vậy, Sáng đủ điều kiện thu lợi nhuận từ các video trên Youtube.
Năm 2022, Hà Văn Sáng tiếp tục cải tạo vùng đất đồi của gia đình, đầu tư chuồng trại, đào ao thả cá và trồng thêm các cây ăn quả như nhãn, xoài, mắc ca...; đồng thời đầu tư thêm máy ghi hình, máy tính để có những video chất lượng phục vụ người xem.
Một góc mô hình VAC của gia đình Hà Văn Sáng
Nhờ sự sáng tạo không ngừng nghỉ, cùng với sự cần cù, chịu khó, đến thời điểm này, mô hình vườn, ao, chuồng của Sáng đã có tổng diện tích hơn 5.000m2; với 750 con gia súc, gia cầm các loại; ao cá hơn 5.000 con và 2.000 mét vuông trồng rau, củ, quả theo mùa. 2 kênh Youtube và 1 kênh Tiktok ghi lại các nội dung công việc thường ngày Sáng thực hiện cũng đạt hơn 200 nghìn lượt đăng ký và gần 90.000 lượt theo dõi. Những kênh này đang tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng và khán giả yêu thích.
Hà Văn Sáng cho biết thêm, quá trình triển khai thực hiện mô hình, anh luôn được các cấp bộ đoàn, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ. Đến nay, tổng thu nhập từ mô hình VAC kết hợp các loại sản phẩm sạch, gần gũi với thiên nhiên, gắn với phát triển nội dung số của gia đình đã mang lại thu nhập ổn định, từ 80 – 100 triệu đồng/tháng: “Khi có nguồn thu nhập ổn định, tôi mở rộng và nhân rộng mô hình của mình, xây dựng nhiều ý tưởng hay hơn, vừa để xây dựng mô hình vườn, ao, chuồng ở mảnh đất quê hương mình, vừa để mình có những thước phim hay gửi đến các bạn khán giả trên kênh, vừa để tối ưu hóa được thu nhập của mình”.
Hiện mô hình này cho tổng thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư tỉnh đoàn Sơn La cho biết, nhân rộng mô hình khởi nghiệp của Hà Văn Sáng, hiện các cấp bộ đoàn tỉnh Sơn La đang tích cực đẩy mạnh công tác chuyển đổi số cho thanh thiếu niên qua các hoạt động thiết thực, như: Hành trình kết nối không gian số; Gen Z và số; Tuổi trẻ với nhiệm vụ chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số… từ đó, giúp thanh thiếu niên tiếp cận, chia sẻ thông tin chính xác, ứng dụng có hiệu quả sức mạnh của các nền tảng số, mạng xã hội trong việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như các chương trình, hành động của đoàn viên, thanh niên.
“Những chương trình, hoạt động thiết thực đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đặc biệt là trong chuyển đổi số đã tạo ra môi trường, cũng như điều kiện thuận lợi cho đoàn viên thanh niên phát huy năng lực, trí tuệ sáng tạo của tuổi trẻ, giúp các bạn vươn lên làm giàu, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, anh Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Những thành quả bước đầu mà anh Hà Văn Sáng đạt được đã góp phần "tiếp lửa" cho những bạn trẻ đang khát khao khởi nghiệp ở Sơn La, nhất là việc áp dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Hiện nay, mô hình của anh đã, đang trở thành điểm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm cho nhiều đoàn viên thanh niên trong và ngoài huyện. Đây cũng là mô hình được Huyện đoàn Phù Yên chọn tham dự cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2024.