(trangtraiviet.danviet.vn) - Xã Chiềng On (Yên Châu, Sơn La) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức phong phú. Qua đó, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Đa dạng hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với các dân tộc xã biên giới
Chiềng On là xã vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Yên Châu (Sơn La). Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như: Xinh Mun, Mông, Thái,... Thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào các loại cây trồng trên nương như: ngô, sắn,… cuộc sống còn nhiều khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế.
Xã Chiềng On xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có vai trò quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, vì thế đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đảm bảo đúng mục tiêu, chất lượng và hiệu quả. Qua đó đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Giàng Lao Vừ, công chức tư pháp xã Chiềng On (Yên Châu, Sơn La) cho biết: Là xã biên giới, với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí còn hạn chế. Xác định công tác tuyên truyền các chủ chương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng đối với địa phương. Hàng năm triển khai nhiệm vụ của Đảng ủy, UBND xã, phòng tư pháp đã xây dựng các kế hoạch, nội dung tuyên truyền về pháp luật. Xã đã tập trung tuyên truyền các luật như: Luật Đất đai, luật Hôn nhân gia đình, luật Lâm nghiệp, luật Biên giới.
Cũng theo ông Vừ, để người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận được về chính sách pháp luật, xã Chiềng On đã lồng ghép các buổi tuyên truyền qua các hội nghị, các cuộc họp bản. Đặc biệt xã đã thành lập các tổ nhóm pháp luật đến từng bản, từng hộ gia đình tuyên truyền. Qua đó nhận thức của người dân đã được nâng cao, các vụ vi phạm pháp luật giảm theo từng năm.
Xã Chiềng On (Yên Châu, Sơn La) đẩy mạnh tuyên truyền luật Lâm nghiệp đến với người dân. Ảnh: Văn Ngọc
Chúng tôi đến bản Nà Đít, xã Chiềng On (Yên Châu, Sơn La), bản của đồng bào dân tộc Xinh Mun. Đây cũng là một trong những bản có diện tích rừng được bảo vệ tốt, đó là nhờ việc đẩy mạnh tuyên truyền luật lâm nghiệp đến với bà con nông dân. Ông Vì Văn Xồm, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nà Đít cho biết: Bản có hơn 170 hộ, là đồng bào Xinh Mun, kinh tế của bản chủ yếu canh tác lúa nước, cây ăn quả, mía và các loại cây trồng khác trên nương. Mặc dù đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng người dân trong bản đều ý thức được bảo vệ rừng là rất quan trọng.
"Hàng năm chúng tôi được cán bộ xã, cán bộ kiểm lâm địa bàn tuyên truyền về luật Lâm nghiệp. Bản thân và người dân trong bản đều ý thức được trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng. Trong bản không còn tình trạng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép nữa; ai vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng pháp luật, theo quy ước, hương ước của bản", ông Xồm nói.
Người dân bản Nà Đít, xã Chiềng On (Yên Châu, Sơn La) ý thức được việc bảo vệ rừng là rất quan trọng. Ảnh: Văn Ngọc
Từng bước nâng cao hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc biên giới
Đặc biệt, những năm gần đây, UBND xã Chiềng On đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về các chính sách mới được ban hành, cung cấp nhiều bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật đến người dân. Đồng thời phối hợp với Hội đồng phổ biến pháp luật của huyện và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền lồng ghép tại các buổi sinh hoạt, họp bản được hàng chục buổi với hàng nghìn lượt người tham dự.
Chị Vì Thị Giót, bản Khuông, xã Chiềng On (Yên Châu, Sơn La) chia sẻ: Được cán bộ xã cùng với cán bộ kiểm lâm, công an xã tuyên truyền về các nội dung: bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, tác hại và hệ lụy của tệ nạn ma túy, luật hôn nhân gia đình, luật an ninh biên giới tôi thấy những buổi tuyên truyền như thế này rất hữu ích. Tôi biết và hiểu được luật, tuyên truyền đến người thân trong gia đình, không vi phạm pháp luật. Gia đình tôi tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế, cùng với người dân trong bản chăm sóc, bảo vệ rừng, tránh xa các tệ nạn xã hội.
Xã Chiềng On (Yên Châu, Sơn La) đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Ảnh: Văn Ngọc
Trao đổi với phóng viên, ông Lại Hữu Hưng, Chủ tịch UBND xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Chiềng On là xã vùng III, biên giới của huyện Yên Châu; có chiều dài đường biên giới là 15km. Xã cách trung tâm huyện 30 km. Toàn xã có 1.322 hộ, dân số 6.368 nhân khẩu, có 12 bản đều là bản đặc biệt khó khăn, gồm có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống: Xinh Mun chiếm 71,18%, Mông chiếm 24,36%, Còn lại là các dân tộc Kinh chiếm 3,58%, Thái chiếm 0,71% và Khơ Mú chiếm 0,17% ).
Trước đây, do nhận thức pháp luật của một bộ phận Nhân dân trong xã còn hạn chế nên những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư thường xuyên xảy ra. Người dân vi phạm các quy định về Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, nhất là tình trạng người dân có đơn thư khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp... Trước thực trạng đó, xã tập trung triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới cán bộ, đảng viên và bà con Nhân dân, nhằm từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, tình hình an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội ở xã Chiềng On (Yên Châu, Sơn La) được giữ vững. Ảnh: Văn Ngọc
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Từ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Xã không còn xảy ra khiếu kiện, không phát sinh đạo lạ và không có hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật.
Theo: trangtraiviet.danviet.vn