Nằm trong Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, huyện Vân Hồ có tài nguyên du lịch thiên nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa các dân tộc đa dạng, độc đáo, đã và đang được khai thác, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm.
Thác Tạt Nàng, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ là điểm thu hút du khách.
Vân Hồ có khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, hoang sơ, trong đó phải kể đến các thác nước ở Chiềng Khoa; thác Tạt Nàng, suối nước nóng ở xã Chiềng Yên; thảo nguyên, đồi chè, rừng thông ở xã Vân Hồ, khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, dãy Pha Luông hùng vĩ; thung lũng đào, mận ở xã Lóng Luông... Trên địa bàn có 5 dân tộc Mông, Thái, Mường, Kinh, Dao cùng sinh sống, hội tụ nhiều giá trị văn hóa độc đáo trong các lễ hội, phong tục, tập quán, nghi lễ, trang phục, nghề truyền thống, kiến trúc nhà ở.
Ông Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết: Huyện xác định phát triển du lịch trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế, trọng tâm là thực hiện các quy hoạch chi tiết trong tổng thể Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, từng bước hình thành các sản phẩm du lịch chất lượng cao; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật; sản phẩm du lịch có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Quy hoạch du lịch huyện Vân Hồ được xây dựng theo hướng phân vùng các điểm du lịch trọng điểm, chú trọng và hướng đến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch thể thao, du lịch đi bộ dã ngoại, tham quan bản làng, du lịch biên giới, du lịch tâm linh và du lịch mua sắm thương mại. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã đề xuất đưa 12 điểm tham quan, du lịch, dừng nghỉ của Vân Hồ vào bản đồ du lịch tỉnh Sơn La. Huyện đã triển khai những chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nhằm đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch. Đồng thời, thu hút 8 dự án đầu tư vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tổng nguồn vốn thu hút đầu tư toàn xã hội về du lịch đạt trên 452 tỷ đồng. Trên địa bàn hiện có 2 khu nghỉ dưỡng, 10 nhà nghỉ và 20 nhà nghỉ cộng đồng đang hoạt động.
Thi giã bánh dày tại Ngày hội hoa đào xã Lóng Luông năm 2024 thu hút du khách đến trải nghiệm.
Hoạt động xúc tiến quảng bá, liên kết, phát triển sản phẩm du lịch được quan tâm. Huyện đã phối hợp tổ chức giải đua mô tô địa hình VTV cup Off Road năm 2022 và 2023; giải đua xe đạp địa hình VTV Cup 2024 tại Vân Hồ; lễ hội hoa đào xã Lóng Luông, lễ hội hoa ban, xã Chiềng Khoa... thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng bảo tồn, tôn tạo kiến trúc truyền thống về nhà ở; phục dựng, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống; bảo tồn, tôn tạo các di tích, danh thắng, gắn với phát triển bản du lịch cộng đồng. Phối hợp dự án AOP tổ chức khảo sát, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại bản Nà Sàng, xã Chiềng Xuân và bản Mường An, xã Xuân Nha; khảo sát và lập phương án cải tạo cung đường chữ S trên quốc lộ 6 tại bản Lóng Luông, xã Lóng Luông, tạo điểm nhấn của du lịch Vân Hồ; xây dựng điểm du lịch cộng đồng bản Chiềng Đi 1, xã Vân Hồ, trở thành điểm du lịch cấp tỉnh.
Hiện nay, nhiều danh lam thắng cảnh của huyện được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến, như: Đền Hang Miếng, xã Quang Minh; thác Tạt Nàng, suối nước nóng, bản du lịch cộng đồng gắn với suối cá bản Bướt, bản du lịch cộng đồng Phụ Mẫu, Nà Bai thuộc xã Chiềng Yên; thác Nàng Tiên, thác bảy tầng, thác Mường Khoa, Đền Bẳng Mương thuộc xã Chiềng Khoa; điểm du lịch cộng đồng bản Chiềng đi 1, Chiềng Đi 2, bản Hua Tạt, khu nghỉ dưỡng “The Nordic”, khu nghỉ dưỡng Vigolando thuộc xã Vân Hồ...
Chiềng Yên là một trong những điểm du lịch thu hút du khách đến chiêm ngưỡng cảnh đẹp và trải nghiệm văn hóa cộng đồng. Ông Hà Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên, cho biết: Khai thác tiềm năng du lịch, trên địa bàn xã có 18 hộ gia đình kinh doanh du lịch homestay, 2 HTX nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng. Từ năm 2020 đến nay, lượng khách đến tham quan trải nghiệm tại xã Chiềng Yên đạt hơn 5.700 lượt người.
Giải đua mô tô địa hình VTV cup Off Road chinh phục cung đường đua giữa không gian núi rừng trong lành.
Các bản du lịch cộng đồng đã phát huy thế mạnh cả 2 yếu tố tài nguyên thiên nhiên và văn hóa để thu hút du khách. Điển hình là “A Chu Homestay” bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, với không gian bản làng yên bình, mang đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông. Anh Tráng A Chu, chủ homestay, chia sẻ: Mỗi tháng, homestay đón khoảng 200 khách du lịch, trong đó có nhiều khách quốc tế. Chúng tôi tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa, như vẽ sáp ong trên vải, giã bánh dày, các trò chơi truyền thống, biểu diễn thổi khèn, nhảy khèn Mông, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông, vừa thu hút du khách.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh, du lịch Vân Hồ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2020 đến nay, Vân Hồ đã đón 583.100 lượt khách du lịch, doanh thu đạt trên 250 tỷ đồng. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Vân Hồ tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, phát triển và kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật tại khu, điểm du lịch trên địa bàn, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch mới có sức hút đối với du khách.
Phạm Đức