Tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều thành tựu, trở thành điểm sáng và động lực tăng trưởng mới của vùng Tây Bắc
Tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều thành tựu, trở thành điểm sáng và động lực tăng trưởng mới của vùng Tây Bắc
Phóng viên VTV Times đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La xung quanh câu chuyện này.
Phóng viên VTV Times trao tặng ấn phẩm Onair - Businiss cho ông ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La. Ảnh: Duy Trung
Năm 2024, tỉnh Sơn La đề ra các chỉ tiêu: Tổng sản phẩm (GRDP) tăng từ 7,5%; GRDP đầu người: 55,5 triệu đồng. Trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp, xây dựng chiếm 26,5%; dịch vụ 41,7%, nông – lâm nghiệp – thủy sản 25,0%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 26.000 tỷ đồng. Giá trị hàng hoá tham gia xuất khẩu đạt 196,1 triệu USD, thu ngân sách trên địa bàn 4.450 tỷ đồng, tỷ lệ đô thị hoá 18%, tổng lượt khách du lịch 4.800 nghìn lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch 5.500 tỷ đồng,…
- Trong nhiều năm qua, Sơn La lấy những thành tựu, thành tích, cùng những bài học kinh nghiệm từ nhiệm kỳ 2015 – 2020 để làm nền tảng. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 – 2020, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành rất nhiều nghị quyết để triển khai các nhiệm vụ kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng trên địa bàn. Đồng thời, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện thắng lợi 28 chỉ tiêu mà ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra trong nhiệm kỳ. Trên cơ sở các chỉ tiêu kinh tế xã hội đó, Sơn La đã tập trung khắc phục những khó khăn nội tại, tận dụng mọi thời cơ để xây dựng tỉnh phát triển theo hướng xanh, nhanh và bền vững.
Tỉnh Sơn La luôn giữ được mục tiêu tăng trưởng dương, cụ thể: năm 2021 là 2,2%; năm 2022 là 8,7%; năm 2023 là 0.75 % và 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 0.67 %. Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2024, với tốc độ phát triển công nghiệp thương mại, dịch vụ, mức tăng trưởng lên đến 7,26%. Như vậy, sự kỳ vọng của cả 3 năm 2021, 2022, 2023 là 4,8%/năm cộng với 2024 này cũng như cuối nhiệm kỳ của 2025 sẽ đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đề ra của tỉnh Sơn La.
Bên cạnh đó, GDP/người của năm 2023 đã tăng 51,7 triệu/người/năm, năm 2024 phấn đấu 55,5 triệu/người/năm và cuối nhiệm kỳ sẽ phấn đấu đạt 60 triệu/người/năm. Bên cạnh các chỉ tiêu đó, tỉnh Sơn La cũng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gồm chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình nông thôn mới, Nghị quyết 88… nhằm phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội giữa các vùng trong tỉnh, nhất là ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong đó, Sơn La chú trọng đầu tư hạ tầng, đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và đặc biệt là tạo môi trường phát triển của các huyện, các xã, vùng đặc biệt khó khăn và các xã vùng biên giới. Động lực thúc đẩy để tổ chức triển khai thực hiện đó chính là những cơ chế, chính sách, những cách làm mới mà tỉnh đã quyết tâm nỗ lực trong thời gian qua.
Trong đó, Sơn La chú trọng đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp
Trong năm 2024, Sơn La đặt mục tiêu và kiên định thực hiện theo định hướng với quy mô tăng trưởng nền kinh tế cụ thể là: Giữ tăng trưởng về nông nghiệp đạt 24,58%; Công nghiệp xây dựng luôn giữ đạt khoảng 27%; Dịch vụ giữ đạt khoảng 41,6%; Thuế cho các sản phẩm giữ khoảng 6,8 – 6,9%... Giữ cho nền kinh tế ổn định, đạt tăng trưởng dương, đồng thời xóa đói giảm nghèo bền vững theo quy mô 3,5%/năm.
Đặc biệt, tỉnh Sơn La hướng tới sẽ hết huyện nghèo, phấn đấu tỷ lệ nghèo đến cuối nhiệm kỳ sẽ dưới 2 con số. Cụ thể: hiện nay là 14,41%, cuối 2024 sẽ còn hơn 10% và năm 2025 sẽ còn dưới 10%.
PV: Vậy để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, tỉnh Sơn La đã và đang thực hiện những giải pháp như thế nào, thưa ông?
- Để hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo theo các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đồng bộ với mục tiêu tổng quát như đẩy mạnh cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu và thích ứng của các thành phần kinh tế; thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường.
Song song với đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phát triển hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ theo hướng hiện đại, đồng bộ; đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ, kết nối các chương trình, dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động hiệu quả. Chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); tạo thuận lợi trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch. Ngoài ra, Sơn La thực hiện quản lý chặt chẽ tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…
PV: Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Sơn La sẽ phát triển theo "4 vùng kinh tế, hai cực tăng trưởng, sáu hành lang phát triển". Xin ông chia sẻ cụ thể về vấn đề này?
Trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp, xây dựng chiếm 26,5%; dịch vụ 41,7%, nông – lâm nghiệp – thủy sản 25,0%
- Sơn La tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình "bốn vùng kinh tế, hai cực tăng trưởng, sáu hành lang phát triển" nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, đảm bảo các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, các tỉnh lân cận được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển.
Phát huy thế mạnh của tỉnh Sơn La với vai trò, vị trí là trung tâm tiểu vùng Tây Bắc, định hướng của khung phát triển, tỉnh đã xác định 04 không gian kinh tế đặc trưng hỗ trợ lẫn nhau gồm: Vùng đô thị và Quốc lộ 6 thuộc thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn và huyện Thuận Châu. Đây là vùng có dân cư đông đúc; thành phố Sơn La có đô thị trung tâm; Thuận Châu lợi thế về tài nguyên rừng và thủy năng lớn; Mai Sơn có cảng Nà Sản với lợi thế phát triển vùng nông nghiệp cao. Là vùng phát triển năng động, giữ vai trò quan trọng hàng đầu đối với phát triển kinh tế tỉnh.
Phấn đấu đến năm 2050, Sơn La sẽ trở thành một cực phát triển của vùng Tây Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; nền tảng kinh tế có đủ sức cạnh tranh với các tỉnh khác trong khu vực và cả nước. Hệ thống đô thị phát triển có trọng điểm với định hướng hình thành các đô thị lớn gắn với các đường vành đai xanh đô thị, làm đầu kéo cho phát triển kinh tế - xã hội, cân đối lãnh thổ trên cơ sở khai thác mạnh lợi thế của các vùng núi cao, vùng lòng hồ sông Đà, cao nguyên Mộc Châu vào mục đích phát triển nông nghiệp và du lịch.
Vùng cao nguyên Mộc Châu và phụ cận thuộc huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Yên Châu có cảnh quan đẹp, đất đai phì nhiêu, khí hậu mát mẻ, dân cư đông đúc, tổng vốn cơ sở vật chất khá lớn. Khu du lịch Mộc Châu được xác định là động lực chủ đạo của tỉnh và là cực đối trọng phát triển với cực trung tâm thành phố Sơn La.
Vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà thuộc huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên là vùng lưu vực của Sông Đà, dân cư đông đúc, đất đai phì nhiêu, giàu khoáng sản và các tài nguyên như: rừng, thủy năng, nước ngầm; khí hậu cảnh sắc hữu tình; thuận lợi phát triển đa ngành, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp đặc thù...
Vùng cao biên giới thuộc huyện Sông Mã và Sốp Cộp là tuyến đầu trong chiến lược an ninh quốc phòng; bảo vệ vững chắc lãnh thổ, chủ quyền của đất nước…; là vùng bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, trồng rừng và phát triển; khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng…
PV: Thời gian qua, du lịch Sơn La đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách, doanh thu, đầu tư. Xin ông cho biết những tác động lan tỏa của ngành du lịch đến thương mại cũng như các ngành nghề liên quan khác và các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh?
- Tỉnh Sơn La chú trọng phát triển du lịch - nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phát triển du lịch - nông nghiệp được xác định là một giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Đồng thời, nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Sơn La xác định rõ, phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La có khoảng gần 30 điểm khai thác các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong đó phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng, mô hình trải nghiệm du lịch vườn sinh thái. Thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới để khuyến khích, động viên và hỗ trợ thiết thực đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá về tài nguyên, tiềm năng, lợi thế du lịch, sản phẩm du lịch, bản sắc văn hóa dân tộc, sản vật địa phương, đảm bảo an ninh, an toàn trong các hoạt động du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch.
VTV Online