Tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều nông dân, HTX ở Sơn La đã ứng dụng công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, gắn nhãn sản phẩm, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, nâng cao giá trị nông sản và gia tăng cơ hội tiếp cận các thị trường mới.
Một phiên live stream bán hàng
Áp dụng chuyển đổi số vào mô hình trồng dâu tây, 3 năm trở lại đây, HTX dâu tây Xuân Quế - một trong những HTX có diện tích trồng dâu tây lớn nhất tỉnh Sơn La với hơn 30 héc ta, đã thành lập riêng bộ phận marketing - là những thanh niên bản địa được đào tạo về công nghệ số để quản lý vùng trồng, đồng thời đưa các sản phẩm dâu tây đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc lên các sàn thương mại điện tử, như: Tiktok, smart port...
Chuyển đổi số tạo động lực, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp ở Sơn La.
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX cho hay: Những năm trước, tổng doanh thu của HTX đạt từ 7 – 8 tỷ đồng/năm; 3 năm trở lại đây khi áp dụng chuyển đổi số, chất lượng sản phẩm cũng như lượng khách hàng biết đến sản phẩm của HTX ngày càng nhiều hơn, nên tổng doanh thu của HTX đã đạt 11 – 12 tỷ đồng mỗi năm.
Theo ông Nam, để chuyển đổi số trong nông nghiệp, trước mắt là người đứng đầu HTX phải rất nghiêm túc trong việc quản lý, tiếp cận và hoạt động, có như vậy sản phẩm mới nghiêm túc, phù hợp với sàn thương mại điện tử. Hiện HTX dâu tây Xuân Quế đang kinh doanh sản phẩm sấy khô, sấy dẻo rất hiệu quả trong chuyển đổi số và thương mại điện tử.
Người dân thực hiện live stream bán hàng
Thành lập cuối năm 2021, HTX Nông nghiệp Sơn La có 30 thành viên, đều là những kỹ sư nông nghiệp trẻ, nhiệt huyết và có chung mong muốn phát triển HTX theo hướng an toàn, bền vững.
Hiện HTX nuôi 500 con bò thương phẩm 3B, 150 con bò sinh sản, cùng với đó là liên kết với các hộ dân trồng hàng trăm héc ta ớt chỉ thiên, cà phê Catimor... Cùng với sản xuất theo hướng tuần hoàn, HTX cũng tích cực ứng dụng chuyển đổi số từ quá trình quản lý, sản xuất, chăn nuôi đến truy xuất nguồn gốc và bán hàng.
Thực hành chụp ảnh, làm clip, tương tác trực tiếp với khách hàng.
Anh Trần Đức Miền, Phó Giám đốc HTX cho biết, hiện HTX đã ứng dụng chuyển đổi số sang quản lý bằng mã QR, nhật ký điện tử, góp phần giảm được sổ sách và nâng cao tính chính xác trong quản lý, điều hành. Toàn bộ cơ sở được kết nối thành một hệ thống, tất cả thông tin báo cáo trên hệ thống này được điều hành thông qua phần mềm; các sản phẩm cũng được đưa lên sàn thương mại điện tử, như: Lazada, Shopee... chuyển dần từ bán hàng truyền thống sang bán hàng online.
Theo anh Miền, chuyển đổi số đã giúp hiệu quả công việc tại HTX tăng khoảng 200%. Ví dụ quản lý thuốc, vắc xin hoặc bất kỳ một loại thuốc nào điều trị cho bò, muốn biết trong kho còn bao nhiêu để điều trị tiếp hoặc mua thêm, trước đây phải đi kiểm kho, giấy tờ, sổ sách rất là nhiều nhưng bây giờ với hệ thống quản lý điện tử, mỗi sản phẩm đều có một mã, Người quản lý có thể dùng điện thoại để biết được trong kho còn nhiều hay ít và đề xuất mua sắm hay không. Như vậy, đã giảm thiểu thời gian cho công nhân, giúp cho đội ngũ quản lý không lãng phí thời gian và nắm được số liệu hàng ngày.
Hướng dẫn người nông dân bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Nhằm giúp nông dân thay đổi tư duy, từng bước áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh Sơn La đã phát triển hàng nghìn tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, bản với nòng cốt là đoàn viên thanh niên có trách nhiệm hỗ trợ người dân sử dụng, ứng dụng các nền tảng số.
Đến nay, Sơn La đã có hơn 70.000 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số và tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử; gần 1.000 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử.
Ông Dương Văn Biển, Chi Cục phó Chi Cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Sơn La cho biết: Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân đã chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số trong các quy trình sản xuất, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm.
Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp trở nên dễ tiếp cận với người nông dân.
Song song với đó đã sử dụng Internet, mạng xã hội để quảng bá, bán hàng trực tuyến, tham gia các sàn thương mại điện tử, mở rộng cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hoặc xuất khẩu. Ông Dương Văn Biển cho biết thêm, để thúc đẩy chuyển đổi số, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La đã tham mưu cho tỉnh, cho ngành có những cơ chế, chính sách quan tâm đầu tư các mô hình quản lý, chăn nuôi ứng dụng công nghệ số, như là quản lý đàn vật nuôi bằng cách bấm lỗ tai, hoặc trong các mô hình sản xuất theo chuỗi.
Việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp với các nền tảng thông minh, các thiết bị hiện đại đã, đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp ở Sơn La./.
Trấn Long/VOV Tây Bắc