(vov.vn) - Trước thềm hội thảo "Làm thế nào để nuôi sống 10 tỷ người mà không phá hủy hành tinh?" được báo Le Monde tổ chức với sự phối hợp của Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Nông nghiệp vì Phát triển (Cirad) diễn ra ngày 25/11 tại thủ đô Paris, nhật báo của Pháp đã giới thiệu tỉnh Sơn La của Việt Nam như một hình mẫu của phát triển nông nghiệp sinh thái.
Với tiêu đề “Ở Đông Nam Á, Việt Nam cam kết theo đuổi con đường chuyển đổi nông nghiệp sinh thái”, phái viên Le Monde tại Việt Nam nhận định với chủ trương kinh tế tuần hoàn, tái trồng rừng, giảm độc canh..., vùng núi Sơn La đã trở thành một trong những tỉnh thí điểm của Kế hoạch Hành động Quốc gia được khởi động năm 2023 nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm.
Bà Hoàng Thị Thoan (giữa), người làng Nam (Sơn La, Việt Nam) được đào tạo nghề ủ chua. Ảnh: lemonde.fr
Báo Le Monde cho biết những đổi mới trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn như chu trình "thức ăn chăn nuôi, ủ chua và ủ phân" được thực hiện thông qua chương trình Chuyển đổi Nông nghiệp sinh thái và Hệ thống Thực phẩm An toàn (Asset), trong đó Cirad đảm bảo điều phối khoa học với khoảng 15 đối tác Việt Nam (các trung tâm nghiên cứu và cơ quan công quyền) và quốc tế. Được triển khai từ năm 2020 trong 5 năm, Asset cũng được thực hiện tại Lào và Campuchia. Các nhà tài trợ là Cơ quan Phát triển Pháp và Liên minh châu Âu.
Khoảng 30 người dân bản Nam đã tự nguyện tham gia chuyển đổi phương thức chăn nuôi và canh tác thông qua kinh tế tuần hoàn. Ông Pascal Lienhard, một trong những kỹ sư nông nghiệp của Cirad làm việc tại Việt Nam và phụ trách chương trình, giải thích mục tiêu vừa là tái đầu tư vào chăn nuôi, vốn bị bỏ quên vì độc canh, vừa chứng minh kinh tế tuần hoàn giúp nông dân gia tăng thu nhập. Sáu người dân khác trong làng học cách cải thiện đa dạng sinh học và sức khỏe của cây trồng cũng như đất đai trong các đồn điền cà phê thông qua nông lâm kết hợp - phương pháp khuyến khích phục hồi các cánh rừng. Bản Nam hiện có khoảng một trăm ngôi nhà gỗ nằm trong một thung lũng xanh tươi, đã bắt đầu áp dụng nông nghiệp sinh thái. Phương pháp này nhằm hòa hợp phát triển nông nghiệp với các yêu cầu về tính bền vững và bảo vệ môi trường.
Cuộc chuyển đổi này gặp phải thách thức rất lớn: áp lực kinh tế, thiếu hụt lao động và các biến động khí hậu đã đẩy người nông dân vào vòng xoáy thâm canh cây trồng. Tại bản Nam, các sườn đồi dốc đứng được phủ kín bởi những bụi cà phê với những quả đỏ chín sẵn sàng cho thu hoạch. Người dân trong làng phụ thuộc vào cà phê, loại cây trồng mang lại cho họ 70% thu nhập.
Đỗ Trọng Hiếu, kỹ sư nông nghiệp tại Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc (Nomafsi), một trong những đối tác của Asset, giải thích: "Về nguyên tắc, nên trồng khoảng 3.000 cây trên một ha. Ở đây, mật độ lên tới 5.000, thậm chí 7.000 cây, nên rất dày đặc. Trên những sườn dốc như thế này, đôi khi xói mòn cuốn trôi tất cả. Và nông dân sử dụng nhiều phân bón, chảy trực tiếp xuống các dòng nước". Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng dẫn đến nhiều đợt sương giá hơn, có thể phá hủy các đồn điền: cứ 3 đến 5 năm một lần, thay vì 10 năm một lần như trước đây.
Trong khuôn khổ Asset, Nomafsi đã tạo ra khu vực thực hành trên một sườn đồi trong làng, nơi nông dân đến học về nông lâm kết hợp. Nhà nghiên cứu nói tiếp: "Chúng tôi trồng các hàng cỏ làm thức ăn gia súc, cây họ đậu và các loại cây khác nhau để cho thấy rằng có thể giữ được đất và cà phê phát triển tốt hơn với bóng râm. Bóng râm cũng giảm nguy cơ sương giá". Các kỹ sư nông nghiệp cũng dạy người nông dân cách ghép các giống arabica mới (loại cà phê phổ biến ở Sơn La) có sức đề kháng tốt hơn vào các cây già. Phương pháp này nhanh hơn so với trồng lại từ đầu.
Tỉnh Sơn La, với 80% dân số làm nông nghiệp, đã thay đổi mô hình của tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2020 bằng cách giảm tỷ lệ độc canh, như ngô dùng làm thức ăn chăn nuôi, từ 169.000 ha xuống còn 70.000 ha, để ưu tiên cây ăn quả, tăng từ 29.000 lên 84.000 ha. Ngô làm suy thoái đất đai và có giá thành cao hơn ngô biến đổi gene nhập khẩu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La, bà Cầm Thị Phong nêu rõ mục tiêu hiện nay là tập trung vào chất lượng. Tỉnh là nơi đầu tiên thành lập nhóm công tác về nông nghiệp sinh thái. Các nhà sản xuất được khuyến khích đa dạng hóa các loại trái cây và nâng cao chất lượng bằng cách áp dụng những thực hành tốt hơn - ví dụ, thu được trái cây to hơn với ít phân bón hóa học hơn. Định hướng thứ hai là khuyến khích truy xuất nguồn gốc. Theo bà Cầm Thị Phong, các nước nhập khẩu trái cây Việt Nam yêu cầu dữ liệu ngày càng nghiêm ngặt hơn.
Do đó, các đối tác của Asset đã được huy động để khởi động một sáng kiến "xây dựng thương hiệu lãnh thổ", tức là nâng tầm giá trị của huyện Mộc Châu. Bà Estelle Bienabe, nhà kinh tế của Cirad và là cố vấn trong sáng kiến này, nhấn mạnh: "Ý tưởng là kết nối lại người tiêu dùng với người sản xuất, bằng cách giúp họ nhận thức được thế nào là một vùng đất nông nghiệp sinh thái và phát triển các chuỗi cung ứng ngắn thông qua du lịch nông nghiệp".
Hội thảo đầu tiên vào ngày 8/11 tại Mộc Châu đã cho phép chia sẻ những kinh nghiệm hiện có: khám phá ra những đồn điền chè hoàn hảo để chụp Instagram (đàn piano trắng giữa những bụi chè, mô hình cối xay gió và những trái tim khổng lồ kết từ hoa). Và những đề xuất chuyên sâu hơn: một "làng nông nghiệp", một bản dân tộc với nông nghiệp truyền thống ở vùng sâu mà một tổ chức phi chính phủ giới thiệu cho khách du lịch. Nhà nghiên cứu trên cho rằng cần định hướng những sáng kiến vốn còn riêng lẻ này và quảng bá thương hiệu "Mộc Châu" ra khắp Việt Nam và có thể ra nước ngoài.
Theo: vov.vn