(reatimes.vn) - Nằm cạnh bìa rừng, Hang Táu là địa danh nổi tiếng trên các diễn đàn du lịch nhưng lại chưa được định vị chính xác trên Google Maps. Đó cũng là lý do mà nhiều du khách muốn tới đây phải tìm kiếm "Tà Số" rồi mới tiếp tục hỏi đường để đến "miền cổ tích" giữa núi rừng Tây Bắc này.
Từ trung tâm Mộc Châu, tôi đã đi quá mất 20 cây số rồi mới hỏi đường tìm đến bản Tà Số. Tuy đã nổi tiếng nhưng Hang Táu vẫn khiến người ta lúng túng không biết gọi nó là gì bởi về địa lý, khu vực này thuộc bản Tà Số, xã Chiềng Hắc của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nhưng lại không tìm thấy trên Google Maps.
Chỉ có một con đường độc đạo dẫn vào, Hang Táu đến nay vẫn còn là một thung lũng hoang vắng và chưa "ghi tên" mình trên bản đồ số. Nơi đây vốn chỉ là một khu canh tác nông nghiệp rộng khoảng 1ha với 20 hộ dân tộc Mông sinh sống.
Đây vốn chỉ là một cụm dân cư khoảng hai chục hộ đồng bào người Mông nằm biệt lập trong núi, cách trung tâm bản Tà Số gần chục cây số. Họ thường từ bản vào Hang Táu làm nương, trồng ngô, mận hậu… nên cứ sáng đi tối về, mệt quá thì ngả lưng tạm tại căn chòi nhỏ, sáng mai làm tiếp.
Được giấu kín giữa bốn bề núi, Hang Táu lại chừa ra một khoảng đất tương đối bằng với duy nhất một lối vào mà đến cuối của thung lũng, bên hẻm núi có một chiếc hang nhỏ. Có tên là Hang Táu nên để gọi cho phần đất bình địa phía ngoài, người ta cứ gọi theo tên cái hang và "Hang Táu" ra đời.
Với vẻ đẹp nguyên sơ, Hang Táu được ví như "Làng nguyên thủy" bởi cảnh quan tựa những thước phim quay chậm trong khung cảnh hữu tình, với vài chú gà thong dong trên bãi cỏ xanh, lợn con chạy theo mẹ lí lắc...
… hay lũ trẻ đá bóng ở trên bãi cỏ dưới cái nắng hanh hao nhưng không e ngại khi du khách ân cần thăm hỏi.
Qua 3km đường núi bằng xe máy, vượt cung đường cheo leo, dốc dựng đứng mới "tụt" để đến Hang Táu. Cũng chính con đường gập ghềnh đủ lối một bánh xe máy này đóng vai trò là ranh giới quan trọng, giữ cho ngôi làng một không gian tương đối nguyên sơ, khi nó đã rất nổi tiếng. Hoang sơ, được dân dịch chuyển ví von như một "làng nguyên thủy", từ cổng dẫn vào thực chất là phên gỗ dùng để ngăn không cho động vật ra ngoài, cũng chẳng có sóng điện thoại, internet… và cuộc sống của con người nơi này như một chấm nhỏ giữa núi rừng đại ngàn.
Những căn nhà gỗ của người Mông tạo thành cụm biệt lập, được bao bọc bởi núi rừng. Giữa bốn bề núi, lại có một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc... bên những phiến đá tai mèo.
Những nếp nhà của dân bản địa, có những ánh mắt trong veo pha chút bẽn lẽn của những đứa trẻ khi gặp người lạ.
Nhưng giữa bốn bề là núi đá sừng sững, biệt lập và yên bình ấy, tôi cũng như nhiều người bạn ghé thăm đều chung cảm giác không phải về một sự cảm thương với những lạc hậu, giản đơn mà lại có một sự thèm khát, những giá trị độc đáo cần bảo lưu, ngoài cảnh đẹp bình dị ở Hang Táu. Người ta hay nói về sự chữa lành thì ở đây, ta cảm nhận một nhịp điệu bình yên, chậm rãi của cuộc sống: Chỉ có thanh âm hiện hữu của tiếng gà gáy, những chú bò thong dong gặm cỏ, hay vài chú lợn con chạy theo mẹ lí lắc...
Bây giờ, người Mông ở Hang Táu không chỉ là những người làm nương trỉa bắp gieo lúa nữa mà còn là những người làm du lịch như Sua, chàng trai 30 tuổi đang thuần dưỡng chú ngựa có tên Su Ki, vừa đầu tư 40 triệu đồng để du khách tham gia trải nghiệm cưỡi ngựa...
… cùng những cô gái dân tộc Mông khác tham gia làm dịch vụ du lịch, vừa quảng bá hình ảnh con người nơi đây,
vừa tăng thêm thu nhập…
… và cưỡi ngựa đã trở thành một trong những hoạt động du lịch trải nghiệm cuộc sống của người dân ở Hang Táu mà du khách không bỏ qua khi đến đây.
Nổi bật trên bãi cỏ xanh, những em nhỏ dân tộc Mông áo váy sặc sỡ, hai má hây đỏ, hồn nhiên nô đùa.
Vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng và nhịp sống yên bình của người dân ở đây khiến Hang Táu trở thành địa chỉ lý tưởng trong hành trình khám phá những vùng đất độc đáo ở cao nguyên Mộc Châu.
Đặt chân đến Hang Táu, ta như lạc bước về thời kỳ khởi thủy ban sơ, hít hà không khí trong lành của thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông nơi đâ
Theo: reatimes.vn