(sonla.gov.vn) - Với mục tiêu của Dự án phát triển chuỗi sản xuất gai xanh gắn với tiêu thụ bền vững. Nâng cao thu nhập, năng lực quản lý, làm chủ về kinh tế cho người hưởng lợi vùng biên giới. Thúc đẩy chính sách hỗ trợ trong phát triển sản xuất gai xanh bền vững. Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các bên liên quan sẽ giúp cho các hộ tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ gai xanh trong tương lai có cơ hội được tăng thu nhập, tiếp cận với các nguồn vốn, hỗ trợ về kỹ thuật.
Theo đó, Dự án “Giảm nghèo thông qua phát triển sản xuất nông nghiệp và thương mại vùng biên giới Việt Nam - Lào” sử dụng Quỹ đặc biệt Hợp tác Mê Công - Lan Thương là dự án phát triển chuỗi sản xuất cây gai xanh gắn với tiêu thụ bền vững. Dự án được triển khai từ tháng 4/2022 đến tháng 4/2024 tại 04 xã biên giới: Chiềng On, Phiêng Khoài, Lóng Phiêng và Chiềng Tương, huyện Yên Châu, với mục tiêu phát triển 230ha trồng cây gai xanh. Với tổng mức đầu tư: 16.116,35 triệu đồng, Dự án đã có 21 hoạt động, trong đó 18 hoạt động có ngân sách, 03 hoạt động không có ngân sách; đã triển khai được 16 hoạt động, chiếm 76,2%; trong đó: hoàn thành 07 hoạt động, đang triển khai 09 hoạt động; đã hoàn thành hoạt động khảo sát, đánh giá vùng nguyên liệu tại 04 xã: Chiềng On, Chiềng Tương, Lóng Phiêng và Phiêng Khoài; đã hoàn thành hoạt động đánh giá nhu cầu của 160 hộ sản xuất nông nghiệp tại 04 xã vùng dự án bằng bảng hỏi, thu thập thông tin định lượng (chủ yếu) và một phần thông tin định tính.
Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ dự án: Các hộ được tăng thu nhập từ hoạt động tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ gai xanh; tăng số lượng việc làm bán thời gian cho các hộ tham gia dự án; các hộ, đặc biệt là phụ nữ sau khi tham gia dự án được tăng tính tự chủ, tự tin, vai trò quyết định; tãnh đạo tổ nhóm thực hành tốt vai trò lãnh đạo trong quản lý nhóm sản xuất cây gai xanh; các chính sách liên quan đến mở rộng diện tích vùng nguyên liệu trồng, chế biến, tiêu thụ gai xanh được các cấp chính quyền, các chương trình tiếp nhận, hỗ trợ phát triển thực hiện; phát triển hệ thống thị trường thông qua quá trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây gai xanh với các doanh nghiệp thu mua và các nhóm, hợp tác xã sản xuất cây gai xanh thuộc vùng dự án và cơ hội mở rộng thị trường sang các vùng khác lân cận trên địa bàn tỉnh Sơn La. Năm 2024, cần tập trung chỉ đạo và tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện các hoạt động của dự án đảm bảo kế hoạch được giao. Tập trung chỉ đạo các đối tác đo và xác định diện tích đất phù hợp, chuẩn bị giống, phân bón sẵn sàng bàn giao và kịp thời xuống giống khi điều kiện thời tiết thuận lợi; bám sát địa bàn, đôn đốc các hộ cắt gai đúng thời điểm, làm cỏ và chăm bón đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn để cây có năng suất cao, cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ kịp thời bà con trong quá trình chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm theo đúng hợp đồng đã ký với người dân. Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Yên Châu chủ động rà soát, xác định khả năng phát triển diện tích gai xanh trên địa bàn huyện Yên Châu báo cáo UBND tỉnh, báo cáo Nhà tài trợ.
Nguyễn Hạnh