(songoaivu.sonla.gov.vn) - Chiều ngày 11/01/2024 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An dưới sự chủ trì của đồng chí Vũ Hải Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Ủy ban Đối ngoại khóa XV đã tổ chức Hội nghị giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Lào".
Đồng chí Vũ Hải Hà - Chủ nghiệm Ủy ban Đối ngoạiphát biểu khai mạc hội nghị
Tham dự hội nghị có: Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại; đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Tham mưu Bộ đội biên phòng Việt Nam; các đại biểu Quốc hội và đại diện lãnh đạo 10 tỉnh có chung đường biên giới với Lào gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Kon Tum. Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nêu rõ, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, có lịch sử gắn bó lâu đời, cùng chiến đấu chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc. Hai nước có vị trí và tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh và sự phát triển của nhau với đường biên giới chung dài gần 2.340 km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào, điểm khởi đầu của đường biên giới là ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, điểm kết thúc là ngã ba biên giới Việt Nam - Lào – Campuchia.
Năm 2016, Chính phủ hai nước đã ký kết hai văn kiện pháp lý quan trọng là: Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và của khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào.
Đồng chí Vũ Hải Hà - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại khẳng định, các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Lào đã đáp ứng được các nhu cầu thực tiễn quan hệ về biên giới giữa hai nước, phát huy được hiệu quả cao trong công tác quản lý đường biên, mốc giới trong tình hình mới. Tuy nhiên, quá trình triển khai các văn kiện pháp lý trên không tránh khỏi những bất cập chưa giải quyết được triệt để các vấn đề phát sinh mới. Trong bối cảnh và tình hình thực tiễn của công tác biên giới thời gian qua, với nỗ lực chung nhằm góp phần bảo vệ thành quả phân giới cắm mốc Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức Hội nghị giám sát "Việc thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Lào" nhằm đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Lào, qua đó, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đường biên, mốc giới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển lâu dài giữa hai nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị giám sát chuyên đề “ Việc thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Lào”
Đại diện tỉnh Sơn La đồng chí Nguyễn Văn Chiến – Giám đốc Sở Ngoại vụ đã phát biểu tại hội nghị, báo cáo những kết quả đạt được và một số khó khăn, vướng mắc của tỉnh Sơn La trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ trên đất liền giữa Việt Nam và Lào, qua đó có những đề xuất kiến nghị với Ủy ban đối ngoại Quốc hội:
1. Đề nghị Ủy ban đối ngoại Quốc hội trao đổi, thúc đẩy phía nước bạn Lào đầu tư hạ tầng để nâng cấp cửa khẩu chính Pa Háng (Lào) thành cửa khẩu quốc tế.
2. Đề nghị Ủy ban đối ngoại Quốc hội xem xét, báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận chủ trương cho giải quyết vướng mắc của tỉnh Sơn La trong việc sử dụng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ các tỉnh nước bạn Lào.
3. Đề nghị Ủy ban đối ngoại Quốc hội trao đổi với Bộ Ngoại giao và các Bộ, Ngành liên quan tiếp sớm thống nhất với phía Bạn Lào để ban hành các mẫu giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh quy định tại khoản 1 - Điều 23 của Hiệp định quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào; đồng thời ban hành các quy định, hướng dẫn chi tiết liên quan để vừa đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân biên giới hai nước qua lại thăm thân, du lịch, giao thương...
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các đại diện của Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Tham mưu Bộ đội biên phòng Việt Nam, đại diện lãnh đạo các địa phương có chung đường biên giới với Lào báo cáo về việc thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ trên đất liền giữa Việt Nam và Lào.
Các đại biểu thống nhất cho rằng, từ khi hai văn kiện pháp lý về biên giới chính thức có hiệu lực, hai bên đã tổ chức quản lý và bảo vệ biên giới theo kết quả công tác tăng dày tôn tạo mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Tình hình biên giới cơ bản được duy trì, bảo đảm ổn định. Lực lượng chức năng của hai nước thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin, phối hợp giải quyết các vấn đề biên giới một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Cơ chế Đoàn đại biểu biên giới giữa hai nước được phát huy hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam - Lào cũng còn những khó khăn, hạn chế như: một số quy định chưa được cơ quan chức năng hai bên trao đổi và phối hợp triển khai như việc thống nhất thỏa thuận loại giấy tờ mà cư dân biên giới hai bên được phép sử dụng để xuất nhập cảnh sang khu vực biên giới đối diện; việc sửa chữa, kè gia cố bảo vệ cột mốc, sống núi biên giới còn gặp khó khăn về kinh phí; việc quản lý và phát triển cửa khẩu còn hạn chế do một số cặp cửa khẩu thiếu tương thích về loại hình và sự đồng bộ, tính kết nối về cơ sở hạ tầng…
Đồng chí Đôn Tuấn Phong – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại phát biểu kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, đồng chí Đôn Tuấn Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh, những kết quả tích cực trong thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Lào là chủ đạo, góp phần xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Ghi nhận các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương nêu ra tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng nêu rõ, sau hội nghị, Ủy ban Đối ngoại sẽ xây dựng báo cáo giám sát về nội dung này báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và gửi Chính phủ.
Lê Huy Hoàng