Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện Sông Mã đã và đang có nhiều đổi mới và ngày càng phong phú, góp phần tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
Lễ hội Cầu mùa xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã.
Huyện Sông Mã có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Thái, chiến trên 70% dân số của huyện và sống tập trung chủ yếu ở các xã dọc bờ sông Mã và vùng thấp, như: Mường Hung, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Chiềng Khương, Chiềng Sơ, Nậm Ty, Yên Hưng, Nà Nghịu. Đồng bào dân tộc Mông, Sinh Mun, Khơ Mú, Kháng cư trú trên núi cao và ở dọc biên giới. Cũng gắn liền với vùng đất này, từ những năm 1975 đồng bào Kinh lên xây dựng phát triển kinh tế sống xen kẽ trải dọc theo dòng Sông Mã. Bên cạnh đó, có một số bộ phận bà con từ vùng TĐC Thủy điện Sơn La tại một số xã trong huyện. Mỗi dân tộc có những nét đặc trưng riêng về phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, tạo nét văn hóa đa dạng, phong phú, được cộng đồng các dân tộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, UBND huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn hằng năm bổ sung quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào quy ước, hương ước của bản, tổ dân phố. Tăng cường tuyên truyền, quán triệt Luật Di sản văn hóa và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn quản lý di tích, tổ chức các lễ hội hằng năm; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh và ứng xử văn minh nơi công cộng.
Ông Nguyễn Chí Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Từ năm 2023 đến nay, đối với cấp huyện đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập huyện (7/3/1953-7/3/2023); Lễ dâng hương Đền thờ Hai Bà Trưng, xã Chiềng Khương của dân tộc Kinh, được huyện tổ chức lần đầu tiên vào dịp đầu xuân mới 2024, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích, tạo điểm nhấn, đưa di tích trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Cấp xã tổ chức các lễ hội Mừng cơm mới và Xên bản tại xã Nà Nghịu; Lễ dâng hương và Hội đua thuyền tại xã Mường Hung; Lễ hội cầu mùa, xã Chiềng Cang; Lễ hội Gầu tào - Pó pao (Chơi ngoài trời - ném pao), xã Huổi Một. Các lễ hội được tổ chức quy mô, bài bản, đảm bảo lưu giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Đây cũng là cơ hội để địa phương giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa dân tộc, thu hút du khách trong và ngoài huyện đến tham quan, trải nghiệm.
Lễ hội Cầu mùa của đồng bào dân tộc Thái ở xã Chiềng Cang được tổ chức lần đầu tiên vào đầu năm 2024. Với hình thức sân khấu hóa, các nghi lễ diễn ra trang trọng, ngắn gọn, thể hiện mong ước của bà con ai cũng khỏe mạnh, mùa màng bội thu. Phần hội diễn ra sôi động với các phần thi, trò chơi dân gian, văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc. Anh Lò Văn Tưới, Bí thư chi bộ bản Chiềng Cang, cho biết: Việc tổ chức lễ hội để tỏ lòng thành kính của nhân dân với tổ tiên cội nguồn, vừa là dịp để giới thiệu đến du khách gần xa phong tục, tập quán, mảnh đất con người thân thiện, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cũng được huyện triển khai hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang quản lý 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, gồm Đền thờ Hai Bà Trưng và Cây đa Mường Hung. Các di tích là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương từ bao đời nay. Đồng thời, cũng là nơi giáo dục đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ về đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào dân tộc. Hiện nay, các di tích, đền thờ được chỉnh trang, có bảng chỉ dẫn, hướng dẫn thực hiện các nghi lễ đúng quy định; bố trí, hướng dẫn, nhắc nhở nhân dân, du khách giữ gìn vệ sinh môi trường.
Ban quản lý các di tích, đền thờ tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát không để xảy ra hoạt động mê tín dị đoan, xâm hại lấn chiếm di tích. Việc quản lý hòm công đức thực hiện công khai, minh bạch. Các lực lượng chuyên môn tăng cường nhân lực và phương tiện hướng dẫn phân luồng giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống cháy nổ tại các di tích lịch sử văn hóa.
Huyện Sông Mã tiếp tục tuyên truyền về các di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội và phổ biến các quy định của pháp luật đến nhân dân; phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian trong lễ hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội, gắn với phát triển du lịch, thu hút du khách tham quan, quảng bá những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương đến với đông đảo nhân dân và du khách.
Bài, ảnh: Nguyễn Thư
Bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống (baosonla.org.vn)