Những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã xây dựng được thế trận lòng dân vững chắc, với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân khu vực biên giới. Trong đó, có những “cột mốc sống” là già làng, trưởng bản, người có uy tín với nhiều đóng góp tích cực giữ gìn sự bình yên nơi biên cương.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” giai đoạn 2019 - 2023.
“Ngọn lửa” dưới chân núi Pha Luông
Trong hành trình tìm gặp những “cột mốc sống” trên tuyến biên giới Tây Bắc của Tổ quốc, chúng tôi được lãnh đạo Đồn Biên phòng Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, giới thiệu ông Sồng A Tủa, bản Pha Luông. Ông Tủa có gần 35 năm làm trưởng bản. Cũng ngần ấy năm, ông luôn đồng hành cùng lực lượng BĐBP tuyên truyền, vận động nhân dân định canh, định cư, bám đất, bám biên giới, xây dựng cuộc sống ấm no và tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.
Theo ông Tủa, do tập quán du canh, du cư khó thay đổi, cho nên đến năm 1989, mới vận động được 42 hộ dân định cư tại chân núi Pha Luông và thành lập bản Pha Luông. Đến nay, bản có 126 hộ, 783 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Bản nằm sát đường biên giới giáp huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo tham gia tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, ma túy trái phép qua biên giới.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Tủa chia sẻ: Là người có uy tín, Trưởng dòng họ Sồng, tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân. Đồng thời, nhiều lần trực tiếp tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới. Mỗi lần tham gia tuần tra, chúng tôi phải băng rừng, vượt núi, từ bản đến cột mốc có khi phải đi bộ mất cả ngày. Bây giờ, cột mốc được chỉnh trang, tôn tạo to đẹp hơn, đường lên cũng được xây dựng đi lại dễ dàng hơn. Nhân dân ngày càng có ý thức trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc.
Ông Sồng A Tủa (thứ ba bên trái) cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, hướng dẫn nhân dân chăm sóc cây ăn quả.
Dù tuổi đã cao, nhưng tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm với quê hương, ông Tủa vẫn thường xuyên phối hợp với BĐBP vận động nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn ANTT trong khu vực. Nhờ đó, những năm qua, tình hình ANTT trên tuyến biên giới khu vực Đồn Biên phòng Chiềng Sơn phụ trách, quản lý luôn ổn định. Từ nguồn tin báo của nhân dân, đơn vị đã triệt phá nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới.
Là một trong số những người được ông Tủa cùng Đồn Biên phòng Chiềng Sơn vận động cai nghiện, sau đó hỗ trợ phát triển kinh tế, thoát nghèo, anh Sồng A Nhà, bản Pha Luông, chia sẻ: Trước đây, do đua đòi với đám bạn bản khác, không tập trung làm ăn, tôi đã nghiện ma túy. Năm 2019, được ông Tủa vận động cai nghiện, được chính quyền xã và Đồn Biên phòng hỗ trợ 1 con bò giống, tôi quyết tâm phát triển kinh tế gia đình. Tôi học ông Tủa kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Con bò giống trước đây đã đẻ được 4 lứa, gia đình tôi tiếp tục nuôi và phát triển đàn. Hằng năm, gia đình trồng gần 2 ha lúa nước, ngô lai, nuôi từ 10 - 13 con trâu, bò; mỗi năm thu 10 tấn ngô, hơn 1,5 tấn thóc, bán từ 3 - 4 con trâu, bò giống. Năm 2022, gia đình tôi thoát nghèo. Tôi biết ơn Trưởng bản Tủa và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn nhiều lắm.
Thiếu tá Mai Thế Cảnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Chiềng Sơn, nhận xét: Ông Sồng A Tủa là một trong những người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiệt tình với công việc. Tuy tuổi đã cao, nhưng ông luôn gương mẫu, trách nhiệm với cộng đồng, được bà con tin yêu, quý trọng, trở thành tấm gương sáng, chỗ dựa tinh thần vững chắc để đồng bào vững bước trên hành trình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và chung tay bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Ông là một trong 163 người uy tín tiêu biểu của cả nước được vinh danh tại Chương trình Điểm tựa của bản làng do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức. Đồng thời, còn là 1 trong 4 người được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen về thành tích trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” giai đoạn 2019-2024.
Ông Sồng A Tủa cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn nắm bắt tình hình địa bàn bản Pha Luông.
“Cây đại thụ” miền biên viễn
Sau hơn 1 giờ đồng hồ từ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, trải qua cung đường 25 km vắt qua lưng chừng núi, chúng tôi đến được bản Hua Lạnh, tìm gặp một người uy tín tiêu biểu có gần 20 năm gắn bó cùng lực lượng Biên phòng trên địa bàn bảo vệ đường biên, mốc giới. Đó là ông Giàng Khua Dính, người được ví là “cây đại thụ”, niềm tự hào của người Mông bản Hua Lạnh.
Đón chúng tôi là người đàn ông dáng cao gầy, da ngăm đen, khuôn mặt hằn nhiều nếp nhăn của tuổi tác. Với nụ cười thân thiện, ông Dính mời chúng tôi bát nước chè tươi hái từ cây chè cổ thụ, mới đầu nhấp có cảm giác ngai ngái chát, nhưng chỉ uống một lần sẽ nhớ mãi vị ngọt lưu lại nơi cổ họng.
Ông Giàng Khua Dính, bản Hua Lạnh, trao đổi tình hình ANTT với cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp.
Theo lời ông Dính kể, bản Hua Lạnh có 62 hộ dân, với 410 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Bản định cư nơi lưng chừng dãy núi Pá Lông, nơi giáp ranh giữa bản Hua Lạnh và Huổi Hịa, xã Nậm Lạnh, với huyện Mường Son, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Trước đây, Hua Lạnh có ít hộ dân sinh sống. Nhiều người chưa hiểu được việc bảo vệ đường biên, mốc giới, nên khi đi rừng kiếm củi, săn bắn đã vô ý làm hư hại, bong tróc, ảnh hưởng đến cột mốc, thậm chí còn tự ý qua lại biên giới thăm thân, trao đổi, mua bán hàng hóa; nhiều hộ bán nhà cửa, trâu, bò, di cư tự do sang nước bạn Lào.
Ông Dính bảo: Tôi nhớ nhất là năm 2017, hơn một tháng, tôi cùng cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh vận động gia đình ông Sồng A Dệnh, bỏ bản đi sang bên kia biên giới trở về định cư. Sau đó, vận động họ hàng giúp đỡ dựng nhà, hỗ trợ cây giống, ngô giống, gà giống, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... Đến nay, gia đình ông Dệnh đã chăm chỉ làm ăn, đã có của ăn, của để, dựng được ngôi nhà gỗ khang trang.
Ông Giàng Khua Dính, bản Hua Lạnh cùng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh tuyên truyền nhân dân tham gia bảo vệ đường biên.
Năm 2012, ông Dính được bà con bầu làm trưởng bản. Để nhân dân trong bản nắm được quy chế biên giới, tranh thủ khi bà con đi nương về, hay sau bữa cơm tối, ông Dính lại đến từng gia đình trò chuyện, tuyên truyền, giảng giải cặn kẽ từng nội dung của quy định khu vực biên giới. Từ năm 2017 đến nay, ông cùng cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, chính quyền xã Nậm Lạnh vận động được 7 hộ dân có ý định di cư và đã di cư qua bên kia biên giới trở về bản định cư, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, còn cung cấp nhiều nguồn tin cho Đồn Biên phòng Nậm Lạnh liên quan đến tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới; vận động người nghiện ma túy tự nguyện đi cai nghiện, tự nguyện giao nộp vũ khí tự chế, vật liệu nổ, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.... Năm 2020, ông Giàng Khua Dính được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc”.
Bước chân in dấu đường biên
Trong chuyến tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, huyện Sông Mã và ông Quàng Văn Khộn, bản Tạo, xã Mường Sai, chúng tôi thật ấn tượng với những câu chuyện của ông Khộn về quá trình tham gia bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới. Ông thông thuộc đường biên như con đường về nhà của ông vậy, nhớ từng đoạn cỏ hay mọc, đoạn có mặt đường chưa phẳng... Bởi ông có hơn 20 năm tự nguyện tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc khu vực biên giới xã Mường Sai, Chiềng Khương.
Ông Quàng Văn Khộn cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, trao đổi kỹ thuật chăn nuôi gia súc.
Hành trang tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới, ngoài những vật dụng đi rừng cần thiết, ông Khộn còn mang theo một can nước sạch để lau chùi cột mốc. Dù thời tiết nắng nóng hay mưa rét, cứ mỗi tháng một lần, ông cùng các thành viên Tổ tự quản đường biên, mốc giới bản Tạo và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương tuần tra, kiểm tra cột mốc biên giới. Dấu chân của ông đã quá đỗi thân quen, in đậm trên cung đường rừng với 13 cột mốc biên giới, gần 27 km đường biên này.
Ông Khộn chia sẻ: Địa phận bản Tạo và xã Mường Sai có tình hình an ninh khá phức tạp về ma túy, pháo nổ, hàng lậu, nên hằng ngày đi làm nương, chăm sóc vườn cây ăn quả, chăn bò, dê, tôi vẫn thường chủ động quan sát nắm bắt tình hình, nếu có bất thường lập tức báo cáo với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương.
Trung tá Lò Văn Tích, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương, cho biết: Ông Quàng Văn Khộn thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân trong bản cùng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Nếu có người lạ xâm nhập hoặc có dấu hiệu khả nghi trên khu vực biên giới, ông Khộn và nhân dân trong bản kịp thời báo cho đơn vị biết để xử lý.
Ông Quàng Văn Khộn (thứ tư bên phải) cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân.
Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự ở các bản, xã biên giới, cũng như nhận thức về chủ quyền quốc gia, quốc giới của nhân dân khu vực biên giới ngày càng được nâng cao. Mỗi người dân trở thành một chiến sĩ, là “tai, mắt” của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Trên địa bàn các xã biên giới, xuất hiện ngày càng nhiều những “cột mốc sống” luôn tiên phong, gương mẫu tham gia cùng cấp uỷ, chính quyền và lực lượng Bộ đội Biên phòng tạo thành “thế trận biên phòng toàn dân” vững chắc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
(còn nữa)
Nhóm phóng viên
Bảo vệ biên giới từ sớm, từ xa: Bài 3. Những “cột mốc sống” nơi biên cương (baosonla.org.vn)