Trong năm 2022, tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên gồm có: Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA. Các hiệp định góp phần thúc đẩy sản xuất, mở rộng, khơi thông thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời tạo ra các cơ hội thương mại với các nền kinh tế phát triển góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, hoàn thiện môi trường thương mại và đầu tư của tỉnh Sơn La.
Tỉnh Sơn La tận dụng cơ hội mà các FTA mang lại để đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu.
Để triển khai thực hiện, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã quán triệt nghiêm túc các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương về triển khai thực hiện các FTA tại địa phương và đã đem lại kết quả tích cực: Kinh tế phát triển nhanh, bền vững; đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao; an ninh quốc phòng đảm bảo; quan hệ đối ngoại được tăng cường. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về các Hiệp định FTA; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng và thương hiệu sản phẩm. Các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã bước đầu chú trọng phát triển sản xuất, kinh doanh định hướng kinh tế thị trường; ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và đăng ký sở hữu trí tuệ.
Năm 2022, hoạt động thương mại của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao, thu nhập của người trên địa bàn tỉnh ngày càng cải thiện, mạng lưới hạ tầng thương mại được mở rộng và phát triển theo xu hướng hiện đại hóa qua thúc đẩy hoạt động tiêu dùng, lưu thông hàng hóa. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt khoảng 35.160 tỷ đồng tăng 18,3% so với năm 2021, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 27.170 tỷ đồng tăng 16,4%.
Thị trường hàng hoá, dịch vụ của tỉnh Sơn La đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh. Hiện nay, tỉnh Sơn La đã đảm bảo sản lượng lương thực; các sản phẩm nông sản, nhất là sản phẩm trái cây của tỉnh đã được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, các mặt hàng khác như hàng công nghiệp tiêu dùng, phương tiện giao thông, vật phẩm, văn hóa, giáo dục, dược phẩm, hoá mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp... đang phụ thuộc nguồn cung của ngoài tỉnh và nhập khẩu.
Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu tỉnh Sơn La năm 2022 ước đạt 174,8 triệu USD, tăng 8,45% so với năm 2021. Cơ cấu xuất khẩu đã điều chỉnh phù hợp với thực tế, tiềm năng lợi thế của tỉnh Sơn La. Cơ cấu xuất khẩu khoáng sản giảm, xuất khẩu nông sản tăng nhanh: nông sản, nông sản chế biến chiếm 93,25%; mặt hàng phi nông nghiệp như xi măng, điện thương phẩm... chiếm 6,75%. Giá trị nhập khẩu của tỉnh Sơn La năm 2022 ước đạt trên 12 triệu USD, giảm 47,19% so với năm 2021. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị phụ tùng chiếm trên 80% giá trị hàng nhập khẩu (chủ yếu cho các nhà máy thủy điện), khoảng 20% giá trị hàng hóa là thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu, phân bón phục vụ quá trình sản xuất, xây dựng và hàng tiêu dùng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La thu hút được 09 dự án FDI. Trong đó: Có 01 dự án nằm trong Khu công nghiệp Mai Sơn với tổng vốn đầu tư đạt 0,45 triệu USD và 08 dự án đăng ký ngoài Khu công nghiệp, với tổng mức vốn đăng ký đầu tư là 153,71 triệu USD. Các dự án FDI thuộc các lĩnh vực đầu tư gồm: Sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác khoáng sản... trong đó: New Zealand 01 dự án, Nhật Bản 03 dự án, Hàn Quốc 03 dự án, Đài Loan 01 dự án. Tổng vốn đầu tư đã thực hiện đạt 152,66 triệu USD tương đương 99,32% tổng vốn đầu tư đã đăng ký. Trong đó đã có 08 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các dự án FDI đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Năm 2022, tỉnh Sơn La có 01 dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Pháp với khái toán tổng mức đầu tư là 970,5 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Sơn La đang tích cực vận động 03 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Về công tác vận động, quản lý viện trợ Phi chính phủ nước ngoài, tính đến tháng 11/2022, tỉnh Sơn La tiếp nhận và cho phép triển khai thực hiện 09 khoản viện trợ không hoàn lại với tổng kinh phí tài trợ là 3.862.246 USD. Hiện đang thẩm định việc tiếp nhận, cho phép triển khai 03 Dự án, Khoản tài trợ, viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài gồm: Dự án Cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng dân tộc thiểu số do Tổ chức Bread for the World (BftW) tài trợ; Dự án Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Nhật Bản tài trợ; Dự án Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh cho các cơ sở y tế và cộng đồng do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Hàn Quốc tài trợ.
Các chương trình, dự án, khoản viện trợ đã có đóng góp quan trọng, thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La, góp phần xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người dân các vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết các vấn đề xã hội, đồng thời nâng cao năng lực cho người dân và cán bộ địa phương tham gia dự án.
Lê Hồng