(vietnamnet.vn) - Sơn La có hơn 200 trong tổng số 665 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các chuỗi nông lâm thủy sản bền vững. Việc ứng dụng kỹ thuật số để đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử cũng đang được triển khai mạnh mẽ.
Sơn La là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với 84.000ha cây ăn quả các loại, sản lượng khoảng 455 nghìn tấn/năm.
Triển khai chương trình chuyển đổi số, các cấp hội đoàn thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tập trung hướng dẫn hội viên nông dân, các thành viên HTX áp dụng các công nghệ hiện đại trong canh tác nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị, thay đổi phương thức quản lý; Duy trì 413 sản phẩm hàng hóa trên sàn thương mại điện tử; Hỗ trợ 26 HTX đưa 110 sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương lên sàn thương mại điện tử; Xây dựng chợ 4.0 gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, thanh toán không dùng tiền mặt; Định hình các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, cho biết chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp sẽ giảm được giá thành và theo dõi được quá trình phát triển cây trồng, vật nuôi tốt hơn. Đồng thời, quảng bá sản phẩm thông qua các nền tảng số để tiêu thụ rộng rãi và hiệu quả hơn.
Thời gian qua, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong lai ghép cũng như chăm sóc theo hướng hữu cơ mà trong những năm gần đây, vườn nhãn của các thành viên HTX Nông nghiệp Trung Dũng luôn đạt năng suất và chất lượng tốt, không còn tình trạng mùa màng năm được năm mất như trước kia. Việc giới thiệu sản phẩm để tiêu thụ bước đầu cũng được các thành viên sử dụng qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, mô hình nuôi dê theo kiểu nuôi nhốt tập trung mới được áp dụng trên địa bàn huyện Sông Mã, chuồng trại, thức ăn, hệ thống nước tự động hay cả camera theo dõi cũng được đầu tư khá quy mô và bài bản.
Ông Nguyễn Hữu Linh, Giám đốc HTX Toàn Phát, huyện Sông Mã, cho biết HTX đang áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như công nghệ số vào sản xuất chăn nuôi. Theo đó, HTX đã tiết kiệm được nhân công và năng suất lao động làm ra sản phẩm có giá trị cao hơn.
Bằng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển, những năm gần đây các HTX trên địa bàn huyện Sông Mã đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa sản xuất nông nghiệp của huyện từ manh mún, nhỏ lẻ sang ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện nay, huyện có hơn 10.700 ha cây ăn quả, sản lượng trên 98.400 tấn/năm, tiêu thụ trong nước hơn 65.500 tấn, còn lại là xuất khẩu. Có 48 mã số vùng trồng nhãn, với hơn 481 ha, sản lượng 4.800 tấn; 50 HTX và một công ty sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP; 50 chuỗi liên kết.
Sơn La có hơn 200 trong tổng số 665 HTX dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tạo ra các chuỗi nông lâm thủy sản bền vững. Việc ứng dụng kỹ thuật số để đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử cũng đang được tích cực triển khai. Tuy nhiên đa phần các hộ dân, các HTX đều đang gặp khó khăn với nhiều lý do khác nhau.
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mường Tấc, huyện Phù Yên là đơn vị điển hình trong ứng dụng công nghệ cao. HTX có 16 thành viên trồng rau củ quả với quy mô 4,8ha, trong đó có 4,7ha được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
HTX đã đầu tư hệ thống trang thiết bị sản xuất nông nghiệp quy mô gồm 4 nhà màng, 1 nhà lưới trên diện tích 4.800 m2 và hệ thống lưới cắt nắng, hệ thống thắp sáng, hệ thống quạt làm mát trong nhà màng, màng phủ luống đất, ứng dụng phần mềm quản lý nông nghiệp thông minh vào quá trình sản xuất.
100% rau củ quả của HTX đều được dán tem truy xuất nguồn gốc khi đưa ra thị trường. Chỉ cần có điện thoại thông minh, người tiêu dùng sẽ dễ dàng biết được thông tin về sản phẩm. Sản phẩm của HTX đã được đưa vào một số siêu thị tại Hà Nội.
Công nghệ số đã và đang thay thế người nông dân Sơn La nhiều công việc hàng ngày, nhật ký số nông nghiệp là cuốn cẩm nang không thể thiếu của mỗi hộ nông dân trong công việc. Không chỉ vậy, tại nhiều HTX hiện nay đã bắt đầu tính toán việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào trong quy trình sản xuất các sản phẩm nông sản.
Chuyển đổi số đã và đang tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay, từ ứng dụng công nghệ trong sản xuất thay thế sức người đã góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất quản trị kinh doanh trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí và tối ưu nguồn lực.
Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn. Phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt chủ trương phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, cho biết: Năm 2024, Hội Nông dân tỉnh thành lập Tổ giúp việc thực hiện chuyển đổi số do Chủ tịch hội làm tổ trưởng; Đầu tư phòng họp trực tuyến triển khai các phiên nội bộ trong hệ thống hội.
Phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức tập huấn khai thác sử dụng sàn giao dịch thương mại điện tử cho 100% cán bộ, hội viên nông dân, đặc biệt là thành viên các HTX, tổ hợp tác... Đồng thời, phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ kỹ thuật số Vibook Việt Nam tiếp tục triển khai ứng dụng “Chợ nông sản Sơn La”, tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức chuyển đổi số, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh.