(baosonla.org.vn) - Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, mỗi dân tộc ở Sơn La đã xây dựng nên một không gian văn hóa đặc sắc, đậm nét truyền thống; thể hiện rõ nét, sinh động về văn hóa, tín ngưỡng, đời sống của đồng bào, mang giá trị lớn lao về cội nguồn dân tộc, được gìn giữ cho đến ngày hôm nay.
Không gian văn hóa dân tộc Thái được phục dựng tại Tuần văn hóa, thể thao và du lịch huyện Quỳnh Nhai 2024
Từ xưa, đồng bào các dân tộc đã sinh sống thành cộng đồng làng bản. Từ đó hình thành nên ý thức về cộng đồng và sáng tạo những không gian văn hóa mang nét đặc trưng riêng có của mỗi dân tộc. Đó là những giá trị truyền thống được đồng bào gìn giữ, trao truyền, là văn hóa, tập quán, tín ngưỡng, những tri thức dân gian, kiến trúc nhà ở, trang phục truyền thống… Tất cả được hình thành và gìn giữ trong một môi trường có sự cố kết làng bản, có tinh thần cộng đồng cùng chung một tín ngưỡng.
Nhiều năm nghiên cứu về văn hóa các dân tộc Sơn La, ông Đinh Văn Liển, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh, chia sẻ: Mỗi dân tộc ở Sơn La có những nét văn hóa riêng, từ đó hình thành nên sự đa dạng và phong phú trong văn hóa của các dân tộc, tạo nên sự hấp dẫn của vùng đất và con người ở Sơn La.
Tái hiện nét sinh hoạt đời thường của đồng bào Mông.
Không gian văn hóa chung giúp hội tụ và lan tỏa giá trị, nét đẹp trong sinh hoạt tín ngưỡng, đời sống tinh thần và văn hóa cộng đồng. Trong không gian văn hóa dân tộc Thái có nhà sàn với điệu xòe nhịp nhàng, tiếng đàn tính ngân vang, câu khắp inh lả, với áo cóm, khăn piêu… Không gian văn hóa dân tộc Mông có múa khèn, nhảy tha kềnh, trang phục rực rỡ, văn hóa se lanh, dệt vải… Đồng bào Dao có tín ngưỡng độc đáo, những nghi lễ truyền thống đặc sắc từ đám cưới, cấp sắc, nghệ thuật nhuộm nhàm, vẽ hoa văn bằng sáp ong… Các dân tộc vùng cao cùng chung tín ngưỡng về thờ thần sông, thần núi, thần rừng, những lễ hội ngày mùa, thể hiện sự ngưỡng vọng về đấng siêu nhiên được hình thành từ đời sống gắn bó lâu đời với đại ngàn. Có thể nói, 12 dân tộc anh em ở Sơn La với những nền văn hóa độc đáo, riêng có, hòa thành không gian văn hóa vùng cao Tây Bắc đầy màu sắc, giàu tính nhân văn, mang giá trị cội nguồn và đầy sức hấp dẫn.
Không gian văn hóa độc đáo của các dân tộc cũng là tiềm năng để phát triển loại hình du lịch văn hóa gắn với cảnh quan thiên nhiên. Du lịch Sơn La ngày càng chú trọng việc bảo tồn, phát huy và khai thác tiềm năng từ văn hóa truyền thống các dân tộc. Điển hình là loại hình du lịch cộng đồng với việc hình thành các bản du lịch mang bản sắc của đồng bào dân tộc, khôi phục kiến trúc truyền thống, giữ cảnh quan, môi trường tự nhiên, giữ nét sinh hoạt văn hóa cùng các hoạt động trải nghiệm hấp dẫn du khách. Trong đó, phải kể đến các điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn với không gian văn hóa đặc trưng của từng dân tộc, như: Trải nghiệm không gian văn hóa dân tộc Thái ở bản Áng – xã Đông Sang, bản Dọi - xã Tân Lập (Mộc Châu); bản Bon - xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai); bản Hụm - xã Chiềng Xôm (Thành phố); bản Khá – xã Sặp Vặt (Yên Châu). Hay khám phá không gian văn hóa độc đáo của dân tộc Mông tại điểm du lịch cộng đồng bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ); bản Tà Số, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu)…
Hoạt động trải nghiệm văn hóa dân tộc Dao tại Bảo tàng tỉnh
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là giải pháp quan trọng để Mộc Châu phát triển du lịch theo hướng bền vững. Chính vì vậy, huyện luôn coi trọng việc tuyên truyền, gìn giữ văn hóa truyền thống, tổ chức các hoạt động phục dựng lễ hội, không gian văn hóa các dân tộc, bảo tồn và phát huy 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được công nhận trên địa bàn huyện làm động lực, yếu tố hấp dẫn để thu hút khách du lịch đến với Mộc Châu.
Tại các sự kiện văn hóa – du lịch của tỉnh và các địa phương, không gian văn hóa dân tộc cũng luôn được phục dựng nhằm giới thiệu những nét đặc sắc trong bức tranh văn hóa tổng hòa của các dân tộc. Từ không gian kiến trúc, nét sinh hoạt thường ngày cho đến con người, trang phục, lễ hội, tín ngưỡng truyền thống… được tái hiện sinh động, giúp người xem được thỏa mãn tìm hiểu, thưởng thức, cảm nhận về văn hóa dân gian các dân tộc một cách đầy đủ nhất, thấy được sức hấp dẫn về giá trị truyền thống của đồng bào vùng cao.
Tái hiện một nghi lễ truyền thống dân tộc Dao đỏ.
Tham gia đoàn khảo sát điểm đến tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Dynamic travel, Thành phố Hà Nội, đánh giá: Sơn La không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn mà điểm cuốn hút của du lịch tại đây là văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Không gian kiến trúc, văn hóa truyền thống, cảnh quan tại các nhiều bản làng còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ. Đây là giá trị và tiềm năng du lịch cần được bảo tồn, gìn giữ để tạo sức hút đối với du khách.
Không gian văn hóa các dân tộc Sơn La cũng được giới thiệu tại các sự kiện văn hóa – dịch quy mô, tầm cỡ tổ chức ở các thành phố lớn trong cả nước. Trong đó, phải kể đến các hoạt động quảng bá văn hóa tổ chức hằng năm tại Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam (Hà Nội); tổ chức sự kiện du lịch “Sắc màu Sơn La - Tây Bắc” trong tuần lễ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023; Tuần Văn hóa Du lịch Tây Bắc tại tỉnh Luông Pha Bang, nước CHDCND Lào năm 2023; Ngày hội du lịch văn hóa Sơn La – Hủa Phăn năm 2024… Đây là dịp để quảng bá, giới thiệu đậm nét văn hóa các dân tộc Sơn La đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước, giúp văn hóa được tôn vinh, tỏa sáng, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào về truyền thống văn hóa trong lòng mỗi đồng bào, những người đang nắm giữ di sản dân tộc.
Không gian văn hóa dân tộc được tái hiện trên sân khấu cuộc thi hướng dẫn viên du lịch
Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Theo định hướng chung, Sơn La chú trọng phát triển du lịch nhanh và bền vững gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, di sản văn hóa; bảo vệ, tôn tạo cảnh quan, môi trường. Trong đó, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương trong tỉnh gắn với tiềm năng, cảnh quan, tạo sự liên kết giữa các loại hình du lịch để phát triển sản phẩm du lịch Sơn La độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp. Đồng thời, tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, sản phẩm văn hóa và sản vật địa phương để thu hút du khách.
Bảo tồn không gian văn hóa truyền thống các dân tộc không chỉ là trách nhiệm của cộng đồng để gìn giữ giá trị nguồn cội, mà còn là giải pháp quan trọng để làm giàu đẹp thêm tài nguyên du lịch nhân văn của mảnh đất Sơn La, tạo sức hút cho du lịch của tỉnh phát triển theo hướng bền vững.
Thanh Đào, Hoàng Giang