Nhà văn Kiều Duy Khánh, hội viên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Sơn La là một cây bút trẻ để lại nhiều ấn tượng với độc giả qua các tác phẩm văn học, truyện ngắn về đề tài văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi.
Truyện ngắn “Hồn Piêu” được đăng trên Tạp chí Suối Reo năm 2018.
Hơn 20 năm sáng tác, anh đã xuất bản được 6 cuốn truyện, hơn 100 truyện ngắn được in sách và đăng trên các tạp chí văn nghệ của Trung ương và địa phương. Trong đó, nổi bật là truyện ngắn “Hồn Piêu” ra mắt năm 2018, đây được coi là một tác phẩm đánh dấu bước trưởng thành trong nghệ thuật viết truyện và khai thác nội tâm nhân vật của Kiều Duy Khánh.
Truyện ngắn “Hồn Piêu” được đăng lần đầu trên tạp chí Suối Reo vào tháng 4/2018, kể về câu chuyện tình yêu của đôi trai gái dân tộc Thái là Sừa và Tươn. Hai người quen nhau trong đêm Hạn Khuống ở bản Cò Chịa. Chỉ hát đối cùng nhau có một bài, cùng uống với nhau chén rượu, mà từ hôm đó, Sừa lúc nào cũng như “con cáo bị say ánh đèn của người thợ săn, ngơ ngơ, ngẩn ngẩn”. Sau bao ngày nhớ thương, Sừa đem theo chiếc khèn bè đến chân cầu thang nhà Tươn, dùng tiếng khèn trầm bổng nỉ non để nói thay lòng mình. Tiếng khèn nỉ non giục giã bao đêm cuối cùng cũng đã chinh phục được trái tim của Tươn. Cô mở hòm, lấy chiếc “Mặc Piêu” đem ra đầu cầu thang để mời Sừa lên nhà. Mối tình đẹp như chiếc khăn piêu của Sừa và Tươn đi qua mùa hoa ban, hoa mạ, đến mùa cây ban rụng hạt thì hai người kết đôi thành vợ thành chồng.
Nhưng thử thách lại tìm đến với tình yêu của đôi vợ chồng trẻ. Lấy nhau đã bao năm mà “cái eo Tươn vẫn cứ lẳn tròn mịn trắng như khúc chuối nguồn bóc vỏ”. Bố mẹ hai bên đã mời thầy cúng, rồi đi cắt thuốc khắp nơi mà Tươn vẫn không có thai. Nghe nhiều người mách, Sừa đã bán con trâu to nhất nhà lấy tiền đưa vợ xuống bệnh viện lớn ở Hà Nội khám. Và sau chuyến đi ấy, Sừa như biến thành một con người khác, cả ngày chỉ khật khừ bên bếp lửa với bát rượu và cái điếu cày, trầm ngâm. Khi vợ hỏi về kết quả khám bệnh, Sừa đã nói với Tươn rằng vợ chồng không thể có con là do anh có cái bệnh trong người.
Cao trào của truyện ngắn “Hồn Piêu” là cái chết của Sừa sau một cơn cảm lạnh. Sau hai năm ở góa để tang chồng theo tục “Kiêng mái”, mẹ Tươn giục cô lấy chồng mới, thế nhưng đến lúc này cô mới biết được một sự thật mà Sừa đã giấu kín suốt nhiều năm. Nguyên nhân Tươn không thể có con là do cô chứ không phải do Sừa. Tươn ra mộ chồng khóc đến ướt đẫm cả cái “Mặc Piêu”. Rồi Tươn lấy dao rạch chiếc khăn Piêu ra làm 2 mảnh, một mảnh đặt lên mộ chồng, một mảnh cô đội lên búi cẩu để từ nay hồn chồng sẽ mãi theo Tươn và để vía Tươn mãi hướng về chồng...
Truyện ngắn Hồn Piêu với bố cục lồng ghép giữa quá khứ và hiện tại, được tác giả đan xen một cách khéo léo, tất cả những chi tiết được gói kín để chuẩn bị cho một cái kết bất ngờ và đầy xúc động. Tác giả Kiều Duy Khánh, chia sẻ: Khi viết tác phẩm này, tôi đã dành một thời gian dài để nghiên cứu, tìm hiểu phong tục tập quán, cũng như tình yêu của nam nữ dân tộc Thái ngày xưa.
“Hồn Piêu” viết về đề tài tình yêu trong bối cảnh xã hội hiện đại, nhưng được tác giả thể hiện qua ngòi bút mang đậm sắc màu văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Trong toàn bộ mạch truyện, tác giả chủ yếu sử dụng nghệ thuật độc thoại nội tâm, thể hiện được sâu sắc tính cách con người miền núi, đồng thời lột tả trọn vẹn những cảm xúc giằng xé, đau khổ của các nhân vật. Bên cạnh đó, nhà văn Kiều Duy Khánh cũng rất thành công khi sử dụng nghệ thuật so sánh, nhân hóa: “Hai cánh tay vẫn cuộn xoắn những bắp thịt rắn chắc, gân guốc như cây gỗ cộc chìa già trên núi Sắng...”; “Ngực Sừa bạnh đỏ, nở căng như tảng đá gan gà dưới chân núi Khau Chia...” “Những giấc mơ dài lê thê như dòng nước nhỏ len lỏi chảy trên những vách đá chông chênh, dài khúc khuỷu trên sườn núi Pó Bua”,... Tất cả các chi tiết được tác giả khéo léo khai thác và đưa vào tác phẩm một cách gần gũi, tự nhiên, khiến độc giả mường tượng ra được khung cảnh, đắm mình vào câu chuyện với những cảm xúc chân thực.
Ngoài tạp chí Suối Reo, truyện ngắn “Hồn Piêu” cũng được in trên nhiều tờ báo và tạp chí trong nước. Năm 2018, truyện ngắn “Hồn Piêu” đoạt giải ba tại cuộc thi truyện ngắn do Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn nghệ tỉnh Hòa Bình tổ chức; được tờ Việt Nam News chọn dịch ra tiếng Anh và đăng tải trên internet. Mới đây, truyện ngắn “Hồn Piêu” được đọc trên chuyên mục Văn học - Nghệ thuật của Báo Sơn La điện tử, góp phần lan tỏa, giới thiệu đến độc giả trong và ngoài nước.
Hoàng Giang