(vov.vn) - Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư về việc tăng cường cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy xã biên giới, thời gian qua, những Phó Bí thư Đảng ủy mang quân hàm xanh của tỉnh Sơn La đã góp sức xây dựng những “lũy thép xanh”, “pháo đài vững chắc” trên khắp rẻo cao biên giới.
Không chỉ chắc tay súng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, những người lính quân hàm xanh ở vùng cao biên giới Sơn La còn mang trên mình sứ mệnh là cầu nối của lòng dân - ý Đảng.
Họ là những cán bộ biên phòng tăng cường tham gia cấp ủy xã vùng biên; là đảng viên được giới thiệu tham gia sinh hoạt cùng các chi bộ bản biên giới; là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được phân công phụ trách, đồng hành với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế, dễ bị các lực lượng thù địch lôi kéo, lợi dụng...
Phó Bí thư Đảng ủy xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, Sơn La hướng dẫn nhân dân thực hiện các mô hình kinh tế.
Những người lính quân hàm xanh mang trên mình sứ mệnh đặc biệt đã làm gì để cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn khu vực biên giới, đem lại những đổi thay trên miền phên dậu, biên cương tổ quốc? Loạt bài “Những đảng viên đặc biệt nơi biên giới Sơn La” của nhóm phóng viên VOV Tây Bắc đề cập nội dung này.
Sứ mệnh thứ hai trên vai màu áo lính
Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư về việc tăng cường cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy xã biên giới, thời gian qua, những Phó Bí thư Đảng ủy mang quân hàm xanh của tỉnh Sơn La đã góp sức xây dựng những “lũy thép xanh”, “pháo đài vững chắc” trên khắp rẻo cao biên giới.
Cuộc “cách mạng” thay đổi tư tưởng đảng viên
"Bản Pa Khôm, xã Chiềng Tương là bản biên giới mà tôi phụ trách. Chi bộ bản Pa Khôm trước đây có nhiều vấn đề, mà chính Bí thư chi bộ còn mắc phải những tệ nạn xã hội. Đảng viên thì không dám nói, do liên quan đến vấn đề là họ hàng, người nhà...
Khi tôi được phân công phụ trách bản, đúng vào dịp đại hội chi bộ và thực hiện Kết luận số 1037 của Tỉnh ủy Sơn La là Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, tôi đã mạnh dạn đề xuất, tham mưu cho Đảng ủy để thay đổi lại hoạt động của chi bộ, thay đổi về nhân sự. Trong quá trình tổ chức đại hội, nhiều đảng viên rất rụt rè do mối quan hệ. Sau đấy tôi vẫn kiên quyết để thay đổi và đưa đồng chí có năng lực, nhiệt huyết với công việc để đảm nhiệm chức danh là Bí thư, trưởng bản."
Sự hiện diện của Phó Bí thư Đảng ủy xã mang quân hàm xanh đã giúp bản biên giới Pa Khôm đã có những đổi thay rõ rệt.
Cuộc “cách mạng” thay đổi cách nghĩ, cách làm của cấp ủy, đảng viên và đổi thay diện mạo bản biên giới Pa Khôm là kỷ niệm đặc biệt với ông Quách Ngọc Đăng, Đồn Biên phòng Chiềng Tương, Bộ đội Biên phòng Sơn La khi được tăng cường tham gia cấp ủy, giữ chức Phó Bí thư đảng ủy xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, Sơn La.
Đó cũng là điều mà người dân Pa Khôm ghi nhận, trân quý, như chia sẻ của anh Phàng Lao Chanh, Bí thư chi bộ, trưởng bản Pa Khôm: "Trước thì Pa Khôm có một số đồng chí đảng viên tư tưởng chưa ổn định. Sau khi đồng chí Đăng về phụ trách bản, đã có những chỉ đạo, thuyết phục được các đồng chí đảng viên trong chi bộ, quán triệt rõ những quan điểm của đảng. Nay Pa Khôm đã có những đổi thay rõ rệt. Chi bộ đã tập hợp được đảng viên và đoàn kết, giúp bà con phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Từ đó đến giờ, các đảng viên trong chi bộ chấp hành tốt, không đồng chí nào vi phạm pháp luật."
Năm 2016, ông Quách Ngọc Đăng là lớp cán bộ đầu tiên của Đồn Biên phòng Chiềng Tương cũng như Bộ đội biên phòng Sơn La mang trên vai sứ mệnh này, từ khi có chủ trương của Ban Bí thư về việc tăng cường Bộ đội Biên phòng tham gia cấp ủy cấp xã biên giới.
“Bước đầu về cơ sở thì tôi cũng gặp những khó khăn, vì đang sống trong môi trường quân đội, về cơ sở thì điều kiện, sinh hoạt cũng thay đổi. Song với vai trò là Phó Bí thư, cũng như tinh thần của người lính, tôi đã khắc phục khó khăn. Quá trình đi cơ sở cũng được bà con nhân dân rất yêu quý và thân thiết, tạo điều kiện giúp đỡ để bản thân tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ.” – ông Đăng nói.
Ông Quách Ngọc Đăng (đứng giữa) đã có nhiều đóng góp với các bản làng biên giới Chiềng Tương.
Gần 2 nhiệm kỳ giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã, là từng ấy thời gian ông Đăng góp sức cùng tập thể cấp ủy xã Chiềng Tương củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng biên, như quyết liệt đưa người có năng lực làm bí thư chi bộ, trưởng bản; hướng dẫn các chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt...
Nếu như năm 2016, Đảng bộ xã Chiềng Tương chỉ có 180 đảng viên và 13 chi bộ, trong đó có 2 chi bộ thiếu bền vững, đến nay, đảng bộ xã đã có 15 chi bộ và hơn 260 đảng viên. Đời sống của nhân dân từng bước đổi thay, nhất là ở 4 bản biên giới với 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống.
Bản làng biên giới đang ngày một đổi thay.
Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, Sơn La khẳng định: Chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng về cơ sở là một chủ trương rất đúng đắn. Qua thực tế, cán bộ về cơ sở đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ra các nghị quyết lãnh đạo về xây dựng phát triển kinh tế tại các xã vùng biên, các chương trình tình quân - dân, đặc biệt là bảo vệ đường biên, mốc giới, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Chuyển hóa địa bàn phức tạp vùng biên giới
Hình ảnh về Phó Bí thư Đảng ủy mang quân hàm xanh cũng in đậm trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân xã biên giới Tân Xuân, huyện Vân Hồ, Sơn La - vùng đất từng bị tàn phá bởi ma túy, tình trạng di cư tự do, hoạt động tôn giáo trái pháp luật...
Bám bản, gần dân từ khi là cán bộ biên phòng, với hàng chục năm kinh nghiệm công tác, khi được tăng cường làm Phó Bí thư đảng ủy xã Tân Xuân, Trung tá Đỗ Văn Lời đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, cấp ủy Ban chỉ huy đơn vị nhiều giải pháp củng cố cơ sở chính trị; giải quyết các vụ việc kịp thời, không để phát sinh thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, gây ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
“Trước kia người nghiện nhiều, sinh ra trộm cắp, buôn bán ma túy… Tôi đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và gia đình người thân vận động người nghiện đi chữa trị. Khi địa bàn xảy ra vụ việc phức tạp, tôi báo cáo cấp trên, đề xuất thường trực đảng ủy, UBND, phối hợp cắt cử người tới cơ sở nắm vụ việc, nắm tư tưởng, quần chúng nhân dân để tháo gỡ dần. Cùng với già làng, trưởng bản, người có uy tín ở đấy để tuyên truyền, vận động.” – Trung tá Đỗ Văn Lời kể lại.
Trung tá Đỗ Văn Lời, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Xuân tuyên truyền, vận động nhiều người lầm lỡ đi chữa trị cai nghiện.
Sự hiện diện của cán bộ biên phòng trong tập thể cấp ủy xã Tân Xuân đã góp phần không nhỏ giúp “thay da đổi thịt” một địa bàn khó khăn, phức tạp về an ninh trật tự. Nhiều năm liên tiếp, Tân Xuân được công nhận là xã an toàn về an ninh trật tự; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 27%.
Đó là niềm tự hào, phấn khởi của ông Hà Văn Phui cũng như người dân nơi đây. “Cuộc sống của nhân dân ổn định hơn, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo hơn, người nghiện giảm rất nhiều so với trước đây. Bà con ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của các đồng chí, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.”
Từ chủ trương đến thực tiễn
Bước ngoặt, sự đổi thay trên những bản làng vùng cao biên giới Sơn La như minh chứng cho kết quả sau hơn 8 năm thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ Đồn biên phòng tham gia cấp ủy xã biên giới.
Chủ trương tăng cường Bộ đội Biên phòng tham gia cấp ủy cấp xã biên giới được tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm.
Đại tá Cà Văn Lập, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Sơn La cho biết: Trong những năm qua, để góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở biên giới của tỉnh, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức quán triệt các đồn biên phòng thực hiện Kết luận của Ban Bí thư, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về chủ trương tăng thêm cấp ủy là cán bộ Đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quyết định, quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Bộ đội Biên phòng với huyện ủy các huyện biên giới về công tác bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh ở địa phương.
Hiện, Đảng ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La đã điều động 17 cán bộ Bộ đội biên phòng tăng cường cho 17 xã biên giới, tham gia cấp ủy, giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy phụ trách công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tham gia HĐND cấp xã. Đồng thời, giới thiệu 4 đồng chí chỉ huy đồn tham gia cấp ủy cấp huyện biên giới.
Công tác phát triển đảng viên ở vùng khó được các đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã đặc biệt quan tâm.
Thượng tá Đào Mạnh Tưởng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cho biết: Chúng tôi căn cứ vào phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ và kiến thức về quốc phòng, an ninh, kiến thức về kinh tế xã hội, về hệ thống chính trị ở cơ sở của các đồng chí. Trên cơ sở đó, tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh lựa chọn để giới thiệu các đồng chí đến các cấp ủy các địa phương. Ngoài ra cũng dựa trên tâm tư, nguyện vọng, cũng như kiến thức về văn hóa xã hội và phong tục tập quán của địa phương, của các dân tộc sở tại để cơ cấu đưa các đồng chí về tăng cường cho địa phương biên giới.
Sự góp sức của những Phó Bí thư Đảng ủy xã mang quân hàm xanh đã giúp cuộc sống người dân
vùng biên giới Sơn La có nhiều đổi thay.
Hơn 270km đường biên giới của tỉnh Sơn La trải dài qua nhiều xã, bản từ vùng thấp đến vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn bộn bề. Và ở đó, những cán bộ biên phòng đã góp thêm sức mạnh cùng cấp ủy, chính quyền củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng thế trận biên phòng vững chắc, xây dựng địa phương biên giới vững mạnh toàn diện; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Không chỉ tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã biên giới, sự hiện diện của những đảng viên mang “quân hàm xanh” cũng đã góp sức nâng cao hiệu quả hoạt động cho các chi bộ bản vùng biên, cũng là cơ hội để bộ đội biên phòng phát huy sứ mệnh cao cả: cầu nối lòng dân – ý Đảng. Đây là nội dung của bài 2 với tựa đề: “Những đảng viên đặc biệt nơi biên giới”.
Nhóm Phóng viên/VOV - Tây Bắc