Ở xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La có một làng nông nghiệp di sản - bản Bướt, mô hình du lịch gắn với bảo tồn tri thức nông nghiệp bản địa đầu tiên ở nước ta. Trong không gian gần như tách biệt khỏi cuộc sống hiện đại ấy, ta như đắm chìm vào thiên nhiên thuần khiết, tò mò, háo hức cùng cách làm nông nghiệp cổ xưa.
Ở xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La có một làng nông nghiệp di sản - bản Bướt, mô hình du lịch gắn với bảo tồn tri thức nông nghiệp bản địa đầu tiên ở nước ta. Trong không gian gần như tách biệt khỏi cuộc sống hiện đại ấy, ta như đắm chìm vào thiên nhiên thuần khiết, tò mò, háo hức cùng cách làm nông nghiệp cổ xưa.
Dòng suối mát lành uốn quanh bản là nơi trẻ em thích nhất
Về làng nông nghiệp di sản
Trên Quốc lộ 6 đi Tây Bắc, vừa qua huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), chạm vào đất Vân Hồ (tỉnh Sơn La); con đường bê tông nhỏ hạ dần độ cao, quanh co qua những tán rừng. Càng đi càng thấy cây rừng ken nhau tầng tầng, lớp lớp; cây dại, dây leo vấn vít, thảng hoặc mới thấy lối mòn khiến cái nắng gay gắt của mùa hè như rơi rớt ngoài quốc lộ. Không khí dịu dần, cái mát lành, thanh khiết của rừng già dần thấm vào các giác quan. Qua khoảng 2km là đến bản Bướt. Bản nằm gọn trong thung lũng, hòa vào những tán rừng.
Bản chỉ vỏn vẹn khoảng 60 nóc nhà. Bà con người Thái, người Mường đã định cư nơi này từ lâu lắm. Người Thái, người Mường đều là những cộng đồng sống theo nguồn nước nên rất dễ hiểu vì sao có cái tên bản Bướt (đọc trại từ “ướt”). Dòng suối uốn quanh bản cùng cánh rừng già chính là tiêu chuẩn đầu tiên để bản Bướt chạm được danh hiệu “làng nông nghiệp di sản”.
Bản Bướt sống hài hòa, nương theo suối và rừng. Mùa hè, không gì tuyệt hơn cảm giác đứng trên cây cầu dẫn vào bản mà nhảy ùm xuống làn nước trong xanh. Người không biết bơi có thể chọn khúc suối nông để bì bõm lội hoặc thuê thuyền kayak của Hợp tác xã (HTX) Đồng Rừng - nơi bà con trong bản bảo nhau làm du lịch.
Suối có rất nhiều cá, ốc nhưng chỉ được bắt ốc chứ không được đánh bắt cá vì mấy chục năm nay, bản Bướt không chỉ gìn giữ cây rừng, thảm thực vật tầng tầng, lớp lớp mà còn lập hương ước bảo vệ suối cá - ai bắt cá dưới suối mà dân bản phát hiện được sẽ phải nộp phạt.
Ở bản Bướt, có thể cùng lúc tắm suối và tắm rừng
Những ngày trời se lạnh, tản bộ từ trung tâm bản Bướt, đến khi cơ thể bắt đầu tăng nhiệt là đến suối nước nóng Bò Ấm. Chỉ với 30.000 đồng/vé là đã được hòa vào làn nước ấm nóng, trong vắt. Suối chảy thành 3 tầng, mỗi tầng có một mức nhiệt khác nhau nên có thể tùy theo nhiệt độ ngoài trời cũng như thân nhiệt mỗi người mà lựa chọn.
Cả 3 tầng suối đều như được thiên nhiên bao bọc: một phía là vách đá với những trảng dương xỉ, thực vật tầng thấp mọc sum suê. Càng ngước mắt càng thấy rừng già xanh ngắt. Ngang tầm mắt - phía bên này là đồng xanh. Lúp xúp xa là những mái nhà sàn lợp lá, cỏ. Các tầng suối cũng được bà con khéo léo “be bờ” bằng đá cuội. Giữa không gian ấy, cảm giác như mình đang là một phần của thiên nhiên.
Cánh rừng nguyên sinh nơi đây cũng là sự lựa chọn lý tưởng để “tắm rừng”. Lúc thong thả đi bộ trong rừng hay đứng dưới gốc cây cổ thụ mốc thếch rêu phong, mọi người đều lặng ngắm từng tán cây, lắng nghe thanh âm rì rào của lá hòa với gió, với tiếng chim lích rích gần xa.
Cái không khí rất… rừng ấy như chiếm trọn các giác quan, gợi nhớ đến lý giải của nhà sinh vật học E.O.Wilson. Ông tin, nhu cầu “tắm rừng” xuất phát từ quá trình tiến hóa trong tự nhiên của loài người. Chúng ta là một phần của thế giới tự nhiên. Nhịp điệu của chúng ta là nhịp điệu của thiên nhiên. Và tình yêu với thế giới tự nhiên nằm sẵn trong bộ gen, được di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Hòa vào đời sống dân bản
Đêm lửa trại, múa xòe cùng chị em trong bản
Bởi đây là vùng giáp ranh nên người Thái, người Mường ở địa phương “lai” một chút của người Thái, người Mường ở Hòa Bình; một chút của người Thái, người Mường ở Sơn La. Nhưng đó lại là nét đặc trưng của cộng đồng cư dân bản địa. Ban đầu, có thể bạn sẽ thoáng thất vọng hay hụt hẫng vì rất ít người bản Bướt mặc trang phục truyền thống của cộng đồng mình (trừ các cụ già). Nhưng tiếp xúc, trò chuyện với bà con thì thấy vẫn vẹn nguyên sự hồn hậu, hiếu khách đặc trưng. Đặc biệt, dù đã là năm thứ năm làm du lịch cộng đồng, dân bản vẫn chưa bị ảnh hưởng của mặt trái ngành công nghiệp không khói này.
Ban ngày, nếu không tắm suối, tắm rừng; không đi ngắm thác Nàng Tiên hay ngâm mình ở suối nước nóng Bò Ấm, bạn có thể ở lại trụ sở hợp tác xã học các bà cách làm bánh ốc, nấu xôi ngũ sắc hoặc theo chị em trong bản ra đồng lúa, lên nương chè, xuống các vườn rau…
Sau 5 năm quay về làm nông nghiệp theo cách của cha ông, hệ sinh thái trên ruộng đồng bản Bướt dần hồi sinh. Các loại sâu, bướm, ếch, nhái, săn sắt, lòng tong, rô ron… xuất hiện như trong ký ức ngày thơ bé. Những chú tôm đồng vốn đỏng đảnh, nguồn nước vướng bẩn chút xíu là không cách nào sống sót mà nay đã đông đúc trong các con mương uốn quanh ruộng lúa.
Học làm bánh cùng các mẹ, các bà
Nơi này, nhiều chị em vừa là những người nông dân thạo việc đồng áng, vừa là hướng dẫn viên, đầu bếp của HTX Du lịch Đồng Rừng. Có chị còn là chủ nhà lưu trú, phục vụ du lịch. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy chị Hà Thị Duyên xào nấu trong bếp của HTX Đồng Rừng bởi mới lúc sáng còn thấy gương mặt rám nắng cùng nụ cười ấy thoăn thoắt cào cỏ lúa. Tối đến, khi chỉ có trung tâm bản - trụ sở HTX - bừng sáng ánh đèn, các chị em lại duyên dáng áo cóm, khăn piêu, uyển chuyển cùng những điệu múa. Khi lửa trại bập bùng, những nụ cười hồn hậu, mộc mạc lại tiếp thêm không khí, gợi thêm sự thân tình. Cả chủ và khách nắm tay nhau nhịp nhàng bước chân cùng điệu xòe rồi lại cùng nhau nhún chân trong điệu múa sạp.
Bà con trong bản gọi nhau đến tham dự rất đông. Trên những gương mặt thuần hậu là nụ cười thường trực, là những đôi mắt lấp lánh ánh lửa. Với mọi người, đêm xòe đón khách nào cũng vẹn nguyên tâm tình hiếu khách. Mấy năm rồi nhưng đêm xòe nào các bà, các mẹ cũng có mặt. Những đứa trẻ theo bà, theo mẹ đến; đôi mắt nào cũng ngơ ngác, trong veo.
Bữa cơm nào khách cũng tấm tắc trước tài bếp núc của chị em. Ai cũng hỏi gạo nấu cơm là loại gạo gì mà cơm đậm vị, độ dẻo vừa vặn, có chan canh cũng không bị bở như nhiều loại gạo dẻo trên thị trường. Các chị khoe: “Gạo của tổ sản xuất đấy”.
Để khôi phục được giống lúa tẻ râu bản địa này, HTX đã mất rất nhiều công sức. Đến khi lương thực, thực phẩm phục vụ du lịch đến từ chính các tổ sản xuất của HTX, bà con mới thấy những loại cây trồng bản địa quý giá nhường nào. Tôi vẫn nhớ lúc rời trung tâm bản, chị Hà Thị Duyên hớt hải chạy theo dúi vào tay tôi ít cây gia vị: “Các loại rau hôm qua chị hỏi đây, em không biết tên gọi theo tiếng phổ thông của nó là gì đâu. Chỉ mong nó cũng hợp với đất đồng bằng”.
Bản Bướt đã để lại trong tôi những ấm nồng, nhiệt thành, trong trẻo và thân tình như thế!
Uông Ngọc