(baosonla.org.vn) - Cách đây 79 năm, cùng với khí thế cách mạng Tháng Tám sục sôi trong cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Sơn La đã vùng lên phá tan xiềng xích nô lệ, giành chính quyền. Ngày 26/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Sơn La thắng lợi, đánh dấu mốc son lịch sử tự hào của Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc Sơn La.
Giành chính quyền về tay nhân dân
Nhớ về mùa thu Cách mạng 1945, đồng bào các dân tộc Sơn La cùng cả nước lại trào dâng niềm tự hào dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân của một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ.
Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La trong mùa Thu Độc lập.
Ảnh: Huy Ngoan
Tại Sơn La, trước khí thế cách mạng ngày càng dâng cao, căn cứ vào nội dung Chỉ thị của Trung ương Đảng “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đồng chí Lê Trung Toản và đồng chí Chu Văn Thịnh đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang đánh chiếm châu lỵ, lập khu căn cứ du kích Mai Sơn, sau đó tiếp tục phát triển ra các địa phương khác. Trong lúc đó, ngày 22/7/1945, do ảnh hưởng của chiến khu Vần - Hiền Lương (thuộc Phú Thọ, Yên Bái), phối hợp với Chi đội Giải phóng quân của chiến khu, lực lượng Thanh niên Cứu quốc châu Phù Yên đã tiến hành giành chính quyền thành công. Phù Yên là địa phương đầu tiên giành được chính quyền đã cổ vũ tinh thần cách mạng của nhân dân Sơn La, thôi thúc khởi nghĩa Mường Chanh nhanh chóng hành động.
Chỉ trong thời gian ngắn từ ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa ở Mường Chanh thắng lợi đã động viên khích lệ nhân dân Mai Sơn và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền và liên tiếp giành chiến thắng ở các châu Mường La, Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu.
Tại tỉnh lỵ, ngày 26/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức trên đồi Khau Cả, hàng ngàn quần chúng nhân dân kéo đến dự ủng hộ Việt Minh, ủng hộ chính quyền cách mạng. Ủy ban cách mạng lâm thời ra mắt đồng bào, tuyên bố: Khởi nghĩa ở Sơn La hoàn toàn thắng lợi. Từ nay đồng bào các dân tộc được làm chủ bản mường, đất nước.
Nghiên cứu về lịch sử giành chính quyền ở Sơn La, ông Hà Ngọc Hòa, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, khẳng định: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Sơn La là kết quả quá trình chuẩn bị của Chi bộ nhà tù từ năm 1939. Sự lãnh đạo thể hiện ở sự vận dụng sáng tạo đường lối chính trị đúng đắn của Đảng vào điều kiện cụ thể ở địa phương, thể hiện ở sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức, ở mối liên hệ mật thiết với quần chúng và đặc biệt ở tinh thần đấu tranh quyết liệt của quần chúng nhân dân. Do được Đảng giáo dục từ trước, nên dù số lượng đảng viên rất ít, nhưng đội ngũ cán bộ địa phương và quần chúng nhân dân có tinh thần cách mạng rất cao, vùng lên đánh đổ ách áp bức, bóc lột của đế quốc và tay sai.
Cuộc cách mạng đã đập tan ách cai trị hà khắc của thực dân trong suốt 57 năm kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm Sơn La; lật đổ chế độ quan lại, phìa tạo phong kiến hàng ngàn năm thống trị nhân dân các dân tộc Sơn La. Nhân dân các dân tộc Sơn La thoát khỏi ách áp bức, nô lệ, trở thành người làm chủ đất nước, quê hương, bản mường, cùng đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no và bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nhân lên niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền
Thắng lợi cách mạng Tháng Tám, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một đảng cầm quyền, tiếp tục lãnh đạo nhân dân giành nhiều thắng lợi vĩ đại, tiến hành 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, đánh bại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ sừng sỏ bậc nhất thế giới lúc bấy giờ bằng các chiến thắng chói lọi: Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 và Đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất non sông và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trong công cuộc đổi mới, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đảng ta luôn chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; lãnh đạo xây dựng “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, giữ trọn niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn bộ binh 1, Trung đoàn 754 học tập chính trị, tư tưởng.
Ảnh: PV
Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng bộ tỉnh Sơn La không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; tăng cường lãnh đạo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực, phấn đấu vươn lên.
Hiện nay, Đảng bộ tỉnh có 17 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; có 829 tổ chức cơ sở đảng (328 đảng bộ, 501 chi bộ), 3.890 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 92.460 đảng viên, 100% các bản, tiểu khu, tổ dân phố có chi bộ. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chú trọng thể chế hóa các quan điểm về phương thức lãnh đạo của Ðảng, phát huy tốt hơn vai trò của các cơ quan nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đổi mới, tích cực, chủ động, sáng tạo trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nhờ vậy, Sơn La đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực: Kinh tế của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; quy mô kinh tế tăng nhanh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành năm 2023 đạt 67.735 tỷ đồng, bình quân đạt 51,7 triệu đồng/người/năm. Văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục ngày càng phát triển; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, các hoạt động đối ngoại được tăng cường.
Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội phát huy quyền làm chủ của nhân dân và quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã được triển khai đồng bộ, hợp lòng dân. Khối đại đoàn kết các dân tộc thường xuyên được củng cố, giữ vững. Chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2023 còn 14,17%.
Ra mắt mô hình chính quyền thân thiện xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ.
Trong cách mạng Tháng Tám, phong trào cách mạng phát triển mạnh ở Mường Chanh, Mường La. Phát huy truyền thống, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mường La luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hăng hái chiến đấu, lao động sản xuất, lập nhiều thành tích, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng nhân dân cả tỉnh, cả nước viết lên những trang sử hào hùng của quê hương, đất nước.
Đồng chí Vũ Đức Thuận, Bí thư Huyện ủy Mường La, thông tin: Hiện nay, Đảng bộ có 57 tổ chức cơ sở đảng, với 6.491 đảng viên, 100% các bản, tiểu khu có chi bộ. Đảng bộ huyện tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; xây dựng hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; khơi dậy khát vọng, ý chí vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống hiện còn 14,11%. Chưa đầy 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Mường La đã ra khỏi danh sách huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Còn tại khu căn cứ cách mạng Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tiếp nối truyền thống cách mạng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân đoàn kết, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đồng chí Nguyễn Trọng Nam, Bí thư Đảng ủy xã, thông tin: Mường Chanh là xã thứ hai của huyện Mai Sơn đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,65%. Xã đang tập trung phấn đấu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Kỷ niệm 79 năm cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La phát huy truyền thống cách mạng, một lòng, một dạ đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; nêu cao quyết tâm, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững”.
Phạm Đức