(bienphong.com.vn) - Vào mỗi dịp Quốc khánh 2/9, bà con dân tộc Mông tỉnh Sơn La lại hồ hởi, rộn ràng vui đón Tết Độc lập. Theo quan niệm của bà con dân tộc Mông nơi đây, không có Đảng, không có Bác thì người Mông suốt đời chỉ ở trên núi cao, không thấy ánh mặt trời và sống trong đói nghèo. Do đó, đối với đồng bào Mông, Tết Độc lập không chỉ là một ngày lễ trong năm, mà đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc.
Anh Giàng A Phư treo cờ Tổ quốc để đón Tết Độc lập. Ảnh: Ái Vân
Theo các già bản dân tộc Mông ở xã vùng cao kể lại, dân tộc Mông có 2 ngày Tết lớn trong năm, đó là ngày Tết truyền thống của người Mông và Tết Độc lập. Ngày Tết truyền thống của người Mông là để cúng tổ tiên, ông bà, tạm gác lại những công việc vất vả ngày thường để nghỉ ngơi, đi chơi, thăm hỏi người thân trong bản làng, chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Còn Tết Độc lập là dịp để đồng bào Mông xuống phố tham gia các hoạt động vui chơi văn hóa, văn nghệ. Trong 2 ngày này, chính quyền địa phương tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như: Thi đấu bóng chuyền, bắn nỏ, thổi khèn, giã bánh giầy, kéo co, ném pao... và tổ chức chiếu phim với những nội dung về cách mạng, về Đảng, Bác Hồ... tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đồng bào Mông ở Sơn La đón Tết Độc lập trong 2 ngày, đó là ngày 1 và 2/9. Trước kia, người Mông sẽ tổ chức hoạt động chợ tình trong dịp này để các cặp đôi trai gái hẹn hò, tìm hiểu nhau và bắt vợ theo phong tục cũ. Hiện nay, bà con ở các bản thường tập trung ở những bãi đất rộng, tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ. Các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống cùng nhau múa khèn, nhảy tha khềnh, ném pao, giao lưu các môn thể thao, trò chơi dân gian truyền thống, tạo nên một không khí vui tươi, thắm tình đoàn kết.
Để chuẩn bị cho ngày Tết Độc lập, gia đình anh Giàng A Phư, ở bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ đã thức dậy từ rất sớm để dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, lá cờ Tổ quốc được anh gìn giữ cẩn thận trong tủ kính bấy lâu nay được anh lấy ra treo lên trước cửa nhà. Vợ của anh - chị Giàng Thị Dịa tạm gác lại công việc đồng áng thường ngày, tranh thủ sửa sang lại những bộ váy áo truyền thống để mặc đi chơi trong dịp Tết Độc lập.
Anh Giàng A Phư chia sẻ: Đối với bà con dân tộc Mông nơi đây, Ngày Quốc khánh 2/9 là một ngày lễ quan trọng, là dịp để người dân chúng tôi thể hiện tấm lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ đã giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, làm nên cuộc sống ấm no như ngày hôm nay. Chúng tôi chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9 từ tháng 8, từ chuẩn bị quần áo mới đến dọn dẹp nhà cửa, sửa sang lại đường để vui đón Tết. Trên khắp các nẻo đường liên xã vùng cao của huyện Vân Hồ đều rực rỡ cờ hoa, bà con đồng bào Mông ở các xã lân cận như: Chiềng Khoa, Lóng Luông, Xuân Nha lại tập trung về trung tâm huyện để gặp gỡ, giao lưu tại phiên chợ vùng cao và đón Tết Độc lập. Không khí ngày Tết nơi đây rất đông vui, từng tốp chàng trai, cô gái Mông trong trang phục truyền thống đa sắc màu vui tươi xuống chợ, đi dạo, mua sắm đồ dùng thiết yếu, thưởng thức những món ăn truyền thống, hay dùng điện thoại chụp lại những bức ảnh để lưu lại những khoảnh khắc đẹp.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được diễn ra trong suốt ngày lễ. Ảnh: Ái Vân
Ở Mộc Châu những ngày này, đồng bào dân tộc Mông ở các xã vùng cao nô nức đổ về trung tâm huyện, đường phố đông vui, nhộn nhịp với từng tốp trai gái Mông trong trang phục truyền thống đa sắc màu, xúng xính xuống chợ. Nhiều năm qua, huyện Mộc Châu luôn duy trì các hoạt động văn hóa trong dịp Quốc khánh 2/9 như giao lưu thể thao, văn nghệ, trình diễn nghệ thuật dân gian, trại văn hóa ẩm thực dân tộc. Bởi vậy, trong dịp này, cao nguyên Mộc Châu không chỉ có người Mông mà các dân tộc anh em khác như Mường, Thái, Dao, Kinh, Khơ Mú ở các địa bàn lân cận cùng hàng nghìn du khách của mọi miền cũng đổ về đây vui đón Tết.
Tết Độc lập ở Lóng Sập được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, như thi đấu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, tạo nên không khí sôi động, phấn khởi trong bà con nhân dân. Đặc biệt là chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các bản với nhiều tiết mục độc đáo, đậm đà bản sắc. Người dân ở các bản của Lào ở bên kia biên giới cũng sang chung vui bằng các điệu múa truyền thống của đất nước Triệu Voi. Trong ngày Tết Độc lập, cửa khẩu Lóng Sập không chỉ là phiên chợ đặc sắc nơi vùng cao biên giới, mà còn là không gian văn hóa để nhân dân hai bên biên giới giao lưu chia sẻ tâm tư, tình cảm, giới thiệu những bản sắc độc đáo của dân tộc mình, góp phần vun đắp mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng bền chặt.
Ông Lê Trọng Bình, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết: Với đồng bào Mông ở Sơn La, Tết Độc lập là nơi hội tụ, khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống, từ đó thúc đẩy phát triển, quảng bá du lịch của địa phương trong phát triển du lịch, giới thiệu vẻ đẹp của thiên nhiên vùng đất, con người của Sơn La. Đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.. Nhân dịp này, nhân dân hai bên biên giới lại có dịp được giao lưu văn hóa, thể thao, giao thương hàng hóa, giới thiệu, quảng bá và phát huy những đặc trưng của địa phương mình, góp phần xây dựng củng cố tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, nhất là giữa chính quyền và nhân dân hai bên biên giới, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống được đồng bào Mông gìn giữ và phát triển.
Ái Vân