(Sông Mã ) Ngày 12/7/2023 tại huyện Sông Mã, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tỉnh đoàn Sơn La phối hợp với huyện Sông Mã tổ chức Hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn và Diễn đàn Chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với chủ đề “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP” năm 2023 tại tỉnh Sơn La.
Toàn cảnh Chương trình.
Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Tường Lâm - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn; đồng chí Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; đồng chí Tráng Thị Xuân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng chí Cầm Thị Huyền Trang - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương đoàn, Tỉnh ủy viên, Bí thư tỉnh đoàn; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sông Mã; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Sơn La; huyện Sông Mã và các tiktoker bán hàng thành công trên Tiktok cùng đại biểu là hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên, doanh nghiệp trẻ nhỏ và vừa, hộ sản xuất kinh doanh, các chủ thể OCOP và các bạn đoàn viên, thanh niên huyện Sông Mã.
Trước đó, vào ngày 11/8 các Tiktoker đã có chuyến trải nghiệm thực tế tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bảo Minh và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hoa Mười, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã. Đây là 2 trong số rất nhiều HTX sản xuất nhãn quả tươi và sản phẩm long nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã. Tại đây, các TikToker đã sáng tạo ra những video ngắn kể về câu chuyện nhà nông, những hình ảnh ẩm thực, nông sản đặc trưng vùng miền để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm nhãn quả tươi, long nhãn Sông Mã và các sản phẩm nông sản của huyện Sông Mã và của tỉnh Sơn La thông qua những cách thức truyền thông hiện đại và sáng tạo.
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được tỉnh Sơn La quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Hiện toàn tỉnh có 110 sản phẩm OCOP, tiêu biểu như sản phẩm: cà phê bột nguyên chất, trà vỏ cà phê; mận sấy, cá tép dầu, chè Trọng Nguyên, các sản phẩm mận sấy, Trà Xanh Xây, Hồng giòn sấy dẻo và nhiều nông sản khác. Sông Mã là một huyện có diện tích cây ăn qua lớn với gần 11 nghìn ha cây ăn quả. Trong đó nhãn là cây ăn quả chủ lực với diện tích khoảng 7.500 ha, sản lượng đạt 80 nghìn tấn. Hiện có 816 ha, sản lượng 9.779 tấn sản xuất theo quy trình VietGAP tại 47 HTX với 46 mã vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích gần 500 ha. Trên địa bàn huyện Sông Mã có 3 sản phẩm OCOP gồm: Sản phẩm Xoài sấy dẻo của HTX Toàn Thắng đạt 3 sao, thịt Trâu hun khói của Hộ gia đình ông Lê Đức Anh đạt 3 sao, Mật Ong Quyết Thắng đạt 4 sao.
Trong Chương trình “Hội nghị tập huấn Tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn” các đoàn viên, thanh niên, các HTX, chủ thể OCOP và Nhân dân đã được tập huấn kỹ năng quảng bá, giới thiệu và bán hàng nông sản, các sản phẩm OCOP trên nền tảng thương mại điện tử xã hội.
Các TikToker còn thực hiện Livestream để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm nhãn quả tươi, long nhãn Sông Mã và các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La trên Nền tảng Tiktok. Trong phiên livestream "Chợ phiên OCOP - Sơn La - Về miền nông sản" kéo dài 4 tiếng diễn ra vào sáng 12/8 tổ chức tại huyện Sông Mã đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, hơn 570.000 lượt vào xem. Trong đó, 5 tấn nhãn Sông Mã cùng 2.350 đơn hàng nông sản được bán, mang về gần 470 triệu đồng doanh thu.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Chuyển đổi số trong Truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với nội dung “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP”, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ về khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP từ các diễn giả đến từ các đơn vị cơ quan nhà nước, đại diện Nền tảng thương mại điện tử, nhà bán hàng trên TikTok tập trung thảo luận các nội dung khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP; Kinh tế số từ góc nhìn của thương mại điện tử; Quảng bá tài nguyên bản địa trên không gian số.
Các đại biểu tham gia Diễn đàn Chuyển đổi số.
Cùng với đó, diễn đàn đã thu hút được sự trao đổi, thảo luận sôi nổi, các vấn đề được quan tâm, đặt câu hỏi và được giải đáp nhiều hơn cả gồm: Livestream bán hàng nên bắt đầu ở đâu và như thế nào; kinh doanh trên nền tảng số như TikTok làm sao để quản lý được chất lượng sản phẩm; làm sao để việc kiểm duyệt các sản phẩm OCOP khi lên sàn để đảm bảo sự công bằng, chính xác; tỉnh Sơn La thời gian tới sẽ có những hỗ trợ gì đối với việc xúc tiến thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản; Ban Thanh niên Nông thôn,Trung ương Đoàn có chiến lược phát triển hay hỗ trợ thanh niên nông thôn làm thương mại điện tử như thế nào… Cũng đã kịp thời được các chuyên gia giải đáp.
Ông Hoàng Mạnh Đoàn - Phó Giám đốc HTX nuôi ong mật Sông Mã, Sơn La: “Trước đây HTX chúng tôi sản xuất ra mật ong và bán đối với những khách hàng quen thuộc do vậy lượng khách hàng rất cố định cùng không được nhiều người biết đến. Qua mấy năm gần đây nhờ nền tảng số chúng tôi cùng đã quảng bá và bán hàng trên kênh cá nhân Facbook thì được khách hàng khắp mọi miền biết đến và các sản phẩm của chúng tôi và lượng hàng bán trên nền tảng số tương đối là cao như vậy chúng tôi cũng đang mong muốn có kênh quảng bá tốt hơn nữa để chúng tôi bán hàng trên nền tảng số.” Mong muốn của ông Đoàn cũng chính là kỳ vọng của bà con Nhân dân huyện Sông Mã nói riêng, bà con Nhân dân tỉnh Sơn La nói chung về công tác Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm để góp phần giải bài toàn khó “Được mùa mất giá” kéo dài trong thời gian qua.
Hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn.
Tin tưởng rằng, thông qua Chương trình Hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn và Diễn đàn Chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với chủ đề “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP” năm 2023, các chủ thể, hợp tác xã nông nghiệp, thanh niên của huyện Sông Mã, của tỉnh Sơn La sẽ có thể khai thác những tiềm năng sẵn có tại địa phương để tiếp tục chuyển mình trên hành trình Chuyển đổi số, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế của địa phương.
Ngô Hà - Lò Linh