(ĐCSVN) – Di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến tại đồi Nà Bó - một địa danh lịch sử giúp tìm hiểu và tri ân các chiến sĩ cách mạng đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do đất nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây, tinh thần Tây Tiến vẫn mãi vang vọng như một khúc ca hào hùng giữa núi rừng Tây Bắc.
Nằm giữa không gian thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, Khu di tích Quốc gia - Địa điểm lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến tại đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La là một chứng nhân lịch sử, ghi dấu sự hy sinh và lòng quả cảm của những chiến sĩ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. “Địa chỉ đỏ” này giúp thế hệ trẻ hôm nay học tập, hiểu hơn về truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những năm 1945 - 1954. Khu di tích Tây Tiến được xây dựng năm 2016, bằng tất cả sự kính trọng và lòng biết ơn vô hạn của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La đối với những người lính tình nguyện đã hy sinh, mất mát tuổi xuân vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Khu trưng bày hình ảnh, hiện vật về Trung đoàn 52 Tây Tiến tại đồi Nà Bó
Hồi ức đoàn binh Tây Tiến qua những hiện vật lịch sử
Trong hành trình thăm “địa chỉ đỏ” cách mạng, điểm đến đầu tiên là Khu trưng bày những hình ảnh và hiện vật về Trung đoàn 52 Tây Tiến, khách thăm được chứng kiến những kỷ vật quý giá về đoàn binh Tây Tiến từng tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những năm 1945 - 1954. Trong không gian ngôi nhà có kiến trúc nhà sàn dân tộc Tây Bắc, các tư liệu hiện vật được chia thành các phần nội dung: Không gian “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”; “Tây Tiến một thời và mãi mãi” giới thiệu những hình ảnh và kỷ vật của Trung đoàn Tây Tiến xưa và nay gồm các hiện vật như: Áo trấn thủ, đèn, giấy chứng minh của nhà thơ Quang Dũng; trong phần nội dung “Tây Tiến hào hùng và tài hoa” gồm nhiều hình ảnh, hiện vật tái hiện hình ảnh người chiến sỹ binh đoàn Tây Tiến năm xưa.
Trong số các hiện vật quý có bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chiến sỹ đoàn binh Tây Tiến được trang trọng gìn giữ tại đây. Hay hiện vật - bức tranh “Nuôi dấu thương binh” của họa sỹ Quang Thọ (chính trị viên Trung đoàn 52 Tây Tiến) được tác giả vẽ từ một câu chuyện có thật về tình nghĩa quân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Chị Lò Thị Muốn - thuyết minh viên Ban quản lý Di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến cho biết: Đại tá Trần Kỳ - chiến sỹ Trung đoàn 52 Tây Tiến kể lại, trong một lần hành quân đánh địch, giằng co nhiều ngày anh bạn cùng tiểu đội kiệt sức đã gục xuống rệ đường, anh chỉ tay vào túi áo ngực nói thều thào, Trần Kỳ ơi tớ mệt quá không đi nổi nữa rồi nhờ cậu hãy chuyển giùm bức thư và nói với cậu mợ, tớ luôn nhớ về gia đình. Đói lả, chân tay bủn rủn tôi chỉ biết động viên đồng đội hãy cố gắng lên mà nước mắt cứ tuôn trào. May mắn thay một phụ nữ dân tộc sinh sống tại Hòa Bình địu con nhỏ đi nương gặp, chị đã lặng lẽ tháo địu đặt đứa con xuống bên đường và không ngần ngại vắt chính những giọt sữa trên cơ thể của mình để cứu sống người lính trong cơn nguy kịch. Những giọt sữa ấy thật ấm áp tình người, ấm áp tình quân dân. Bức tranh chính là sự tri ân sâu sắc của họa sỹ Quang Thọ nói riêng cũng như của Trung đoàn 52 dành tặng đồng bào Tây Bắc.
Không gian núi rừng Tây Bắc thơ mộng, đầy hoài niệm gắn với chặng đường hành quân của đoàn binh Tây Tiến.
Về với di tích cách mạng hôm nay, trong lòng mỗi người bồi hồi, xúc động như được ngược dòng thời gian về với những năm tháng hào hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Những vần thơ trong bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng - chiến sỹ đoàn binh năm xưa vẫn mãi vọng dài thăm thẳm, khắc tạc vào thời gian, tạc vào không gian đất trời Tây Bắc: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu, anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành...”. Bài thơ đã khơi gợi niềm tự hào và tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với những người lính Tây Tiến năm xưa đã dành cả tuổi trẻ cho lý tưởng cách mạng cao đẹp, hình ảnh về một thời kỳ hào hùng của lịch sử cách mạng.
Anh Nguyễn Mạnh Hà, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Trước những kỷ vật, hiện vật từng gắn bó với các chiến sĩ Tây Tiến, tôi rất cảm kích trước những hy sinh xương máu của cha ông ta để giành độc lập tự do như ngày hôm nay. Di tích không chỉ là nơi ghi dấu lịch sử mà còn khơi gợi trong lòng mỗi người niềm tự hào dân tộc và tấm lòng tri ân đối với các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh, mất mát vì Tổ quốc”.
Khắc ghi một hành trình cách mạng hào hùng
Cùng những hiện vật, những câu chuyện xúc động về binh đoàn Tây Tiến tại Khu trưng bày, du khách có dịp được Ban quản lý Di tích hướng dẫn đi theo 52 bậc đá lên vị trí cao nhất của Khu di tích Quốc gia. Những bậc đá được thiết kế có đoạn thẳng vút, có đoạn uốn lượn tượng trưng chặng đường hành quân của đoàn quân Tây Tiến năm xưa đã vượt qua những dốc cao, vực sâu vô cùng hiểm trở. 5 bức phù điêu được thiết kế trong quần thể di tích ghi lại những câu chuyện cảm động về chiến công của Trung đoàn Tây Tiến.
Đài tưởng niệm nằm ở vị trí cao nhất của quần thể di tích được thiết kế hình cụm lưỡi lê, biểu tượng cho ý chí và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Trung đoàn Tây Tiến. Phía trước đài tưởng niệm là hai biểu tượng gắn liền với chặng hành quân của Trung đoàn 52 Tây Tiến, đó là Thạt Luông - biểu tượng của văn hóa, tinh thần của các bộ tộc Lào gửi tặng Trung đoàn Tây Tiến và hoa lau - loài cây rừng gắn với chặng đường hành quân của người lính Tây Tiến tạo nên một không gian thơ mộng, huyền ảo của núi rừng Tây Bắc. Nằm không xa Đài tưởng niệm, Nhà bia ghi danh được thiết kế theo kiến trúc “Khải Hoàn môn”, đây là biểu tượng cho những chiến công cũng như những ước vọng về ngày chiến thắng.
Đài tưởng niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến trên đồi Nà Bó
Phía trước Đài tưởng niệm là không gian Khu hoài niệm, đài vọng tưởng được thiết kế bao bọc kính trong suốt, mở ra một không gian thoáng đãng. Từ đây, khách thăm có thể quan sát không gian của núi rừng Tây Bắc thơ mộng, huyền ảo cùng toàn cảnh thị trấn Mộc Châu. Đứng trên đài cao ngắm núi rừng Tây Bắc, trong lòng du khách hoài niệm về Trung đoàn Tây Tiến với những chàng trai Hà thành hào hoa, lãng mạn mà vô cùng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân vì đất nước.
Thăm Di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến tại đồi Nà Bó, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn cảm nhận sâu sắc những giá trị lịch sử lớn lao. Từng tảng đá, từng lối đi, từng bậc thang khắc họa cuộc sống gian khổ của các chiến sĩ, những con người đã để lại tuổi thanh xuân nơi chiến trường khốc liệt. Những bức tượng đài, phù điêu, bảng ghi chép lịch sử không chỉ là lời nhắc nhở về những ngày tháng hào hùng mà còn là niềm tự hào của thế hệ hôm nay về quá khứ oanh liệt của dân tộc.
Phó Giám đốc Công ty CP Du lịch Pha Luông Đinh Hồng Phúc - đơn vị quản lý khu di tích cho biết, Khu di tích Quốc gia - Địa điểm lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, nơi bảo tồn, giới thiệu những hiện vật, hình ảnh gắn liền với những con người, những thành tích cùng những dấu ấn của Trung đoàn Tây Tiến luôn thu hút sự quan tâm của du khách gần xa. Nơi đây bình quân đón trên 30.000 lượt khách mỗi năm, là “Địa chỉ đỏ” để các học sinh, sinh viên, cán bộ đến tham quan, học tập. Trong định hướng, Khu di tích sẽ luôn đổi mới, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, khai thác những câu chuyện gắn liền với Trung đoàn Tây Tiến, nâng cao chất lượng của đội ngũ thuyết minh, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, kết nối cùng các Công ty Lữ hành để thu hút du khách đến với khu di tích, góp phần tạo một điểm đến văn hóa hấp dẫn ở cao nguyên Mộc Châu.
Quang cảnh Khu di tích
“Địa chỉ đỏ” cách mạng này đang giúp kết nối lịch sử và hiện tại, có ý nghĩa giáo dục về tinh thần cách mạng, nơi hằng năm các đoàn đại biểu, cựu chiến binh, khách thăm và học sinh, sinh viên trên cả nước đến để tưởng nhớ, để học hỏi, và để hiểu hơn về những hy sinh mất mát, ý chí kiên cường trên con đường đi làm cách mạng của những thế hệ cách mạng đã đi qua. Nơi đây, tinh thần Tây Tiến vẫn mãi vang vọng mãi như một khúc ca hào hùng giữa núi rừng Tây Bắc./.
Bài, ảnh: N.Dương