Quan hệ Việt Nam - Lào là mối quan hệ nhân hòa, nảy sinh từ đời sống thích ứng với tự nhiên và dựng xây xã hội của biết bao thế hệ cộng đồng dân cư hai nước có nhiều lợi ích tương đồng, cao hơn hết là vận mệnh hai dân tộc gắn bó với nhau rất khăng khít và được phát triển thành quan hệ đặc biệt chưa từng có trong lịch sử quan hệ quốc tế.
Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào bắt nguồn từ vị trí địa - chiến lược và bản sắc văn hóa có những nét tương đồng của hai nước: Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nhân dân hai nước giàu lòng nhân ái, bao dung và văn hóa của hai dân tộc có nhiều nét tương đồng; có truyền thống bang giao hòa hiếu, cưu mang đùm bọc lẫn nhau từ lâu đời, cuối thế kỷ XIX cùng bị thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị tàn bạo.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sơn La và tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) thăm nhà Lưu niệm Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào.
Ảnh: PV
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930) mở đầu những trang sử vẻ vang của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và Lào đã ảnh hưởng lẫn nhau, góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng mỗi nước. Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945) và Chính phủ Lào ítxalạ (ngày 12/10/1945), cùng những mong muốn của hai bên về xây dựng mối quan hệ hoàn hảo và vững chãi hơn trước là một trong những cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ nhau lên tầm liên minh chiến đấu.
Sau khi giành lại được chính quyền, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hợp tác giúp đỡ và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam - Lào. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, rồi mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương. Ngày 25/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc để chỉ đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc của ba nước Đông Dương. Chỉ thị chủ trương: “Thống nhất mặt trận Việt - Miên - Lào chống Pháp xâm lược”. Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định các lực lượng quân sự của Việt Nam được cử làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện.
Khối liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia ra đời theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau, cùng nhau đánh đuổi bọn thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập thực sự cho nhân dân Đông Dương. Ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn, đã buộc Chính phủ Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, vì vậy Hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh Đông Dương khai mạc tại Giơnevơ ngày 8/5/1954. Đối phương buộc phải cùng các bên đàm phán ký tuyên bố chung và các hiệp định về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Nước Pháp và các nước tham gia Hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Đó là cơ sở pháp lý quốc tế rất quan trọng để nhân dân ba nước Đông Dương tiến lên giành độc lập, hoàn thành thống nhất đất nước ở mỗi nước.
Trước sự chuyển biến mới của cách mạng Lào, Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào được tiến hành từ ngày 22/3 đến ngày 6/4/1955 tại tỉnh Sầm Nưa. Từ cuối năm 1958, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đẩy mạnh các hoạt động lật lọng, từng bước xóa bỏ các hiệp ước hòa hợp dân tộc đã được ký kết để cuối cùng trắng trợn xóa bỏ Chính phủ liên hiệp và hòa hợp dân tộc. Hội nghị Trung ương Đảng Nhân dân Lào (3/6/l959) xác định cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào đang chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn từ đấu tranh công khai hợp pháp là chủ yếu, chuyển sang đấu tranh vũ trang là chủ yếu, kết hợp với các hình thức đấu tranh khác.
Những thắng lợi trên thể hiện nấc thang phát triển mới của lực lượng cách mạng Lào, đồng thời khẳng định sức mạnh to lớn của quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào, trong đó thể hiện tình cảm chân thành nhất mực, sắt son của Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Lào, như đồng chí Kayxỏn Phômvihản phát biểu trong cuộc hội đàm giữa Đảng Nhân dân Lào và Đảng Lao động Việt Nam (12/1968) đã nhấn mạnh: “Sự giúp đỡ của Việt Nam cho cách mạng Lào hết sức tận tình và vô tư, Việt Nam đã giúp Lào cả vật chất và xương máu. Xương máu của nhân dân Việt Nam đã nhuộm đỏ khắp nơi trên đất nước Lào vì nền độc lập của Lào... Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Lào đã xây dựng nên mối quan hệ đặc biệt, thực tế đó cũng là sự vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản”.
Chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30/4/1975 của nhân dân Việt Nam là động lực để Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào quyết định phát động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cả nước nổi dậy giành chính quyền thắng lợi hoàn toàn ngày 5/5/1975. Sự kiện nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ra đời ngày 2/12/l975 là thắng lợi to lớn triệt để của nhân dân các bộ tộc Lào, đồng thời cũng là thắng lợi quan trọng của mối quan hệ đặc biệt, liên minh đoàn kết chiến đấu, thủy chung, son sắt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về tình cảm vĩ đại sâu sắc của hai nước: Thương nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội - mấy đèo cũng qua/Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long.
Nguyễn Thái Hà (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)