(consosukien.vn) - 9 tháng năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La tiếp tục phát triển, một số lĩnh vực đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng hướng và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế của Tỉnh.
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Sơn La, 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (chỉ số IIP) ước tính tăng 27,33% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu do từ tháng Sáu đến nay, khu vực Tây Bắc Bộ có mưa nhiều trên diện rộng, lượng mưa lớn, lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên địa bàn Tỉnh tăng cao, các nhà máy thủy điện tăng công suất hoạt động nên sản lượng điện sản xuất ước tăng 34,88% so với cùng kỳ năm 2023, kéo chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp tăng cao.
Chỉ số sản xuất công nghiệp một số ngành chủ yếu
Đơn vị tính: %
Hoạt động thương mại, dịch vụ và vận tải trên địa bàn tỉnh Sơn La tháng Chín và 9 tháng năm 2024 nhìn chung duy trì được đà tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023. Tháng Chín năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 18,27% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác tăng 7,91%; doanh thu hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa và dịch vụ vận tải tăng 10,92%. Tính chung 9 tháng năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 14,19% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác tăng 10,30%; doanh thu hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa và dịch vụ vận tải tăng 11,25%.
Về doanh thu bán lẻ hàng hóa, 9 tháng năm 2024 ước đạt 26.877,3 tỷ đồng. Xét theo cơ cấu ngành hàng: Lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất với 43,83%; xăng dầu các loại chiếm 11,97%; gỗ và vật liệu xây dựng chiếm 10,68%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chiếm 9,84%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) chiếm 6,55%; các ngành còn lại chiếm 17,13%.
So với cùng kỳ năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng tăng 14,19%, trong đó các nhóm ngành hàng tăng mạnh như: Lương thực, thực phẩm tăng 17,70%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 16,50%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) 15,49%; các nhóm ngành hàng còn lại tăng từ 10,29% đến 14,81%.
Về hoạt động dịch vụ, tháng Chín năm 2024, doanh thu hoạt động dịch vụ trên địa bàn tỉnh Sơn La ước tính đạt 860,6 tỷ đồng, tăng 7,91% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 391,1 tỷ đồng, tăng 7,71% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lữ hành ước đạt 2,4 tỷ đồng, tăng 7,08%; dịch vụ khác ước đạt 467,1 tỷ đồng, tăng 8,08%. Hoạt động dịch vụ tăng so với cùng kỳ do các dịch vụ được chú trọng đầu tư; công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch được thực hiện hiệu quả; chất lượng dịch vụ nâng cao khiến khách hàng có trải nghiệm tốt, tham gia các nhóm liên kết phát triển du lịch vùng. Doanh thu dịch vụ ăn uống tăng hơn năm trước do ngày lễ Tết Xíp xí được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Doanh thu hoạt động dịch vụ 9 tháng năm 2024 ước tính đạt 7.496,1 tỷ đồng, tăng 10,30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 3.496,9 tỷ đồng, tăng 17,22%; dịch vụ lữ hành ước đạt 21,8 tỷ đồng, tăng 19,40%; dịch vụ khác ước đạt 3.977,4 tỷ đồng, tăng 4,83%.
Tháng Chín năm 2024, tổng doanh thu hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa và dịch vụ vận tải ước đạt 300,1 tỷ đồng giảm 1,06% so với tháng trước và tăng 10,92% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 9 tháng năm 2024 doanh thu vận tải ước đạt 2.725,3 tỷ đồng, tăng 11,25% so với cùng kỳ năm trước.
Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục được quan tâm nâng cao chất lượng. Trong 9 tháng năm 2024, Chương trình việc làm đã chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho 17.947 lao động (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023), đạt 89,73% so với kế hoạch giao năm 2024, trong đó: Kết nối thành công cho 190 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, đạt 95% kế hoạch. Phối hợp triển khai thực hiện các nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm trong 9 tháng năm 2024 là 2.199 dự án vay vốn, tạo việc làm cho 2.199 lao động với số tiền 145.865 triệu đồng.
100% đối tượng bảo trợ xã hội được quản lý, chăm sóc, được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội kịp thời, nhờ đó góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện một phần đời sống cho đối tượng yếu thế; Các huyện, thành phố triển khai tặng quà, chúc thọ người cao tuổi năm 2024, đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Toàn tỉnh đã chúc thọ, mừng thọ cho 6.025 người cao tuổi.
Thực hiện hỗ trợ gạo đột xuất cho 3.442 hộ với 13.174 nhân khẩu, tổng số gạo 203.595 kg. Hỗ trợ 136 hộ gia đình có nhà bị sập đổ, trôi, cháy, hư hỏng nặng; 15 người chết, 04 người bị thương do thiên tai, mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí trên 3,1 tỷ đồng. Cấp mới 14.110 thẻ BHYT cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn... Tập trung huy động tối đa các nguồn lực xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú mang lại hiệu quả thiết thực nhằm chăm lo tốt hơn đối với đối tượng chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo,…
Công tác Văn hóa, thông tin, thể thao được tập trung đẩy mạnh, Tỉnh Sơn La đã tổ chức thành công các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, năm 2024 tại huyện Mộc Châu. Tổ chức thành công “Ngày hội Du lịch Văn hóa Sơn La - Hủa Phăn năm 2024” tại tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Trong thể thao thành tích cao, tỉnh Sơn La đã duy trì công tác tuyển chọn, huấn luyện đào tạo 40 vận động viên đội tuyển tỉnh, 111 vận động viên đội trẻ, 47 vận động viên năng khiếu. Tham dự 23 giải khu vực, toàn quốc, quốc tế với 11 môn thể thao: Điền kinh, Cầu lông, Boxing, Penkak Silat, Xe đạp, Quần vợt, Muay, Kic Boxing, Taekwondo, cử tạ, Bóng đá. Đạt 17HCV, 24HCB, 29HCĐ (trong đó có 01 HCV vô địch Châu Á môn Taekwondo; 04 VĐV Kiện tướng; 29 lượt VĐV cấp I; 26 lượt vận động viên được triệu tập, tập huấn đội tuyển quốc gia).
Để triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả lĩnh vực với tinh thần quyết liệt, nỗ lực cao nhất nhằm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tỉnh Sơn La cần tập trung giải quyết nhanh các nội dung chủ yếu sau:
Một là, tận dụng mọi cơ hội và dồn mọi nguồn lực để “thúc” tăng trưởng kinh tế, trong đó có ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Hai là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; quyết liệt thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới. Tập trung rà soát, tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý của tất cả dự án để giải phóng tối đa các nguồn lực còn đang tồn đọng cho tăng trưởng và phát triển…
Ba là, tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động hiệu quả mọi nguồn lực xã hội. Hưởng ứng thi đua giai đoạn nước rút đẩy nhanh tiến độ triển khai giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 95% kế hoạch. Tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn.
Bốn là, tập trung cao độ công tác thu ngân sách, khai thác nguồn thu tiềm năng. Nâng cao hiệu quả chi tiết kiệm, chi thường xuyên, tập trung chi các nhiệm vụ mang lại hiệu quả, thiết thực.
Năm là, tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cắt giảm chi phí cho xã hội; đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông trong tất cả các hoạt động hành chính của cơ quan Nhà nước, nhất là những nơi thực hiện dịch vụ hành chính công, xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân.
Sáu là, tăng cường tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến đầu tư về du lịch gắn với đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Bảy là, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường bền vững, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là người có công, hộ nghèo... Phấn đấu hoàn thành đạt chỉ tiêu giảm nghèo ở mức cao nhất; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số./.
Theo: Tạp chí Con số & Sự kiện