VOV4.VOV.VN - Trong khi nhiều nghề truyền thống ở các làng quê đang lo mai một thì ở xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vẫn còn nhiều người luôn đam mê và mong muốn lưu giữ nghề làm gốm truyền thống của cha ông. Với họ làm gốm là tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc chứ không đơn thuần là vì kế sinh nhai.
Anh Hoàng Văn Mẳn, một trong số ít người còn duy trì làm gốm tại bản Đen, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ, nghề làm gốm gắn với lịch sử hình thành, đời sống kinh tế, văn hóa đặc trưng của người Thái qua nhiều thập kỷ. Trước đây cả xã làm gốm, tuy nhiên qua thời gian nghề thủ công này dần bị mai một, nhiều gia đình không sản xuất gốm nữa, quy mô và không gian sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngày càng thu hẹp. Cả xã hiện chỉ còn 3 hộ gia đình giữ nghề gốm cổ, tập trung ở bản Noong Ten và bản Đen.
Anh Hoàng Văn Mẳn (áo trắng) truyền nghề cho thế hệ trẻ trong bản.
Theo anh Mẳn, để làm được gốm Mường Chanh phải chọn loại đất sét pha cao lanh có chất lượng tốt với nhiều màu sắc mà chỉ ở xã Mường Chanh mới có. Sau mỗi vụ gặt lúa, người làm gốm phải đào sâu khoảng 1 - 1,5m ở ruộng mới tới lớp đất cần lấy. Khi lấy được đất về, những người thợ phải giã đất thật nhuyễn, dẻo, sau đó mới tạo hình trên bàn xoay bằng thớt gỗ tròn, úp trên một trụ gỗ chôn chặt dưới đất.
Đất khi lấy ở ruộng về, phải được giã thật nhuyễn, dẻo.
Khi tạo hình hoàn chỉnh cho gốm xong sẽ đem đi nung, đây cũng là khâu quan trọng nhất quyết định đến chất lượng sản phẩm. Đầu tiên, lò nung sẽ được đốt nhỏ lửa để sấy cho khô, khi gốm chuyển sang màu hồng thì tăng thêm củi cho gốm chín.
Để tạo sắc màu cho gốm, người thợ lấy lá cây dẻ cho vào lò rồi lấp cửa, ống khói. Trong quá trình ủ, lá dẻ cháy tạo thành khói đen ám vào sản phẩm và sinh ra màu xám đen đặc trưng của gốm Mường Chanh. Thời gian nung gốm mất một ngày đêm, sau đó ủ tiếp trong lò khoảng 1 tuần để tạo độ bền chắc cho đến khi nguội hẳn mới cho ra lò.
Tạo hình trên bàn xoay.
Sau chặng đường gắn bó với nghề gốm, anh Mẳn đã tích lũy cho mình thêm nhiều kinh nghiệm và từ đó càng thêm trân trọng sự vất vả, niềm hạnh phúc mỗi khi cho ra một mẻ gốm chất lượng. Mặc dù việc duy trì nghề còn nhiều khó khăn, sản xuất vẫn nhỏ giọt và cầm cự, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của bà con thôn bản, nhưng với anh Mắn và những người yêu nghề gốm truyền thống, đó là niềm vui và tự hào.
Toàn bộ quy trình đều được làm thủ công.
"Sản phẩm làm ra chủ yếu là bán cho bà con ở bản thôi, họ làm măng chua, ủ rượu, làm những đồ để nấu thức ăn của người Thái. Nói chung nghề này nó không mang lợi ích kinh tế để đáp ứng được công mình làm đâu, nhưng vì sự yêu nghề, biết làm nên nghiện rồi, đam mê, thỉnh thoảng nghỉ 1 thời gian rồi lại phải làm", anh Mắn nói.
Người dân Mường Chanh luôn có tình yêu với gốm, những nỗ lực bền bỉ của anh Hoàng Văn Mẳn cũng như những người dân làm gốm Mường Chanh chắc chắn sẽ là những người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ học tập và noi theo, để nghề gốm Mường Chanh được mãi duy trì qua các thế hệ.
Gốm Mường Chanh đa dạng về kích thước, hình dáng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của đa số khách hàng.
Anh Lò Đức Trí, ở bản Cang Mường cho biết: "Bản thân tôi rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống như xã Mường Chanh. Làng nghề gốm thủ công trên địa bàn xã cũng được cơ quan chính quyền quan tâm, bản thân tôi là thế hệ trẻ cũng sẽ tiếp nối cha ông gìn giữ những gì vốn có và phát huy truyền thống của cha ông"
Hiện UBND xã Mường Chanh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để lưu giữ nghề làm gốm, trong đó có mô hình thí điểm về du lịch trải nghiệm nghề làm gốm truyền thống tại địa phương. Qua đó, góp phần bảo tồn bản sắc, gìn giữ di sản độc đáo của đồng bào dân tộc Thái nơi đây./.
Theo: vov4.vov.vn