VOV.VN - Tại tỉnh miền núi Sơn La, Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) của Chính phủ sau gần 3 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại lợi ích, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, từng bước góp phần vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.
"Nếu như trước đây, mỗi ngày, buổi tối lễ tân phải nhập sổ sách, đến công an phường thông báo lưu trú; thì hiện nay, chúng tôi chỉ cần khai báo trên phần mềm ASM, tiết kiệm được thời gian, công sức..." - Như chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thao, nhân viên lễ tân Khách sạn Hoa Ban trắng, thành phố Sơn La, từ khi thực hiện nhập liệu lưu trú qua phần mềm theo hướng dẫn của Công an phường, việc check-in nhận phòng, thông báo lưu trú cho khách được rút ngắn thời gian; giảm sai sót trong cập nhật thông tin và tiết kiệm nhân lực để bố trí nhập dữ liệu đầu vào.
Lực lượng công an hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp nhập liệu lưu trú qua phần mềm.
Với người dân thành phố Sơn La, việc triển khai, tích hợp dịch vụ công trực tuyến cũng đem lại nhiều tiện ích. Các dịch vụ công có thể được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi, như thông báo lưu trú, đăng ký thi tốt nghiệp THPT, cấp hộ chiếu phổ thông trực tuyến; đăng ký cư trú 100% trên cổng dịch vụ công. Thẻ căn cước công dân/ căn cước được sử dụng thay thế nhiều loại thẻ, giấy phép; thông tin được tích hợp trên VNeID trong thực hiện giao dịch hành chính, thay thế việc xuất trình giấy tờ vật lý...
Ông Đoàn Văn Nhuận, người dân xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La cho biết: "Tích hợp các thông tin vào mã định danh thì tôi không phải mang nhiều giấy tờ như khi đi khám chữa bệnh, tham gia giao thông... Khi thông tin đã có đầy đủ trên mã định danh rồi, rất tiện lợi cho công dân, bớt các thủ tục rườm rà đi".
Công an Thành phố Sơn La huy động các nguồn lực và trách nhiệm của toàn lực lượng thực hiện Đề án.
Triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Công an Thành phố Sơn La đã huy động các nguồn lực và trách nhiệm của toàn lực lượng; qua đó đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Điển hình như triển khai Luật căn cước năm 2023 (có hiệu lực từ 1/7/2024), với đợt cao điểm cấp căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho công dân, Thành phố Sơn La đã trở thành đơn vị cấp huyện đứng đầu trong tỉnh có tỷ lệ cấp căn cước cao nhất. Tính đến hết tháng 10/2024, Công an Thành phố Sơn La đã thu nhận trên 98% hồ sơ căn cước công dân/căn cước; thu nhận và kích hoạt trên 69.900 trường hợp tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ trên 96%.
Công an Thành phố Sơn La tuyên truyền người dân, các bậc phụ huynh sử dụng App VNeID để làm thủ tục đăng ký căn cước cho trẻ.
Trung tá Phạm Kiên Trung, Phó trưởng Công an Thành phố Sơn La thông tin: Chúng tôi đã đề xuất các giải pháp, các mô hình điểm, đồng thời phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các ban ngành chức năng, sự giúp đỡ của nhân dân... Công an TP Sơn La quyết tâm thực hiện hoàn thành nhiệm vụ Đề án 06 không chỉ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mà còn là phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Trong phạm vi toàn tỉnh, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hoàng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Sơn La cho biết, sau gần 3 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ, đến nay Sơn La đã hoàn thiện chuyển đổi, nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử; chính thức đưa kho dữ liệu của tổ chức, cá nhân tỉnh Sơn La vào hoạt động kết nối với kho dữ liệu của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia; chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính...
Cùng với đó là đã hoàn thành tạo lập và duy trì làm sạch trên 1,3 triệu dữ liệu công dân toàn tỉnh, cấp trên 1,1 triệu thẻ căn cước công dân/ thẻ căn cước, 600.000 tài khoản định danh điện tử...
"Từ những điều kiện nền tảng này, 5 nhóm tiện ích của Đề án 06 đã từng bước được triển khai, tiếp cận, phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp, công tác quản lý của cơ quan nhà nước theo mục tiêu đề ra, cụ thể như: các nhóm dịch vụ công được đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là các nhóm dịch vụ công thiết yếu; ứng dụng các tính năng của chíp điện tử trên thẻ căn cước được triển khai rộng rãi trên các lĩnh vực; các tiện ích của ứng dụng định danh quốc gia VNeID được triển khai rộng rãi như ví giấy tờ điện tử và các ứng dụng như tố giác tội phạm, cảnh báo thủ đoạn tội phạm..." - Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hoàng nói.
Mới đây nhất, tỉnh Sơn La đã triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VneID. Toàn bộ 228 cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai tiếp đón bệnh nhân sử dụng thẻ Căn cước công dân/căn cước, ứng dụng VNeID thay thế BHYT giấy, thông tin khám chữa bệnh đã được cập nhật lên Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID…
Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh miền núi, phần lớn là người dân tộc thiểu số, nhiều trường hợp đồng bào ở vùng sâu, vùng xa không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông; điều kiện tiếp cận và khả năng sử dụng thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính của người dân còn hạn chế... đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai làm sạch dữ liệu chuyên ngành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích của Đề án 06 tại Sơn La.
Cùng với tập trung khắc phục những tồn tại, vướng mắc, tổ chức thực hiện đảm bảo 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm”, Công an tỉnh Sơn La cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia thực hiện Đề án 06 ở 3 cấp. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung đến các tiện ích, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện Đề án..
Theo: vov.vn