(vov.vn) - Những con đường mới, lớp học khang trang, nương đồi xanh màu cây trái...đã tô điểm cho bức tranh về cuộc sống mới ở miền núi Sơn La, cũng là minh chứng cho những chủ trương, chính sách, sự quan tâm, đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương với bà con vùng khó, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hơn 1 năm qua, từ khi có con đường bê tông dẫn vào bản Thèn Luông, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, Sơn La, diện mạo bản làng như có thêm những gam màu tươi sáng. Những chiếc xe đạp đến trường của con trẻ hay từng chuyến xe máy chở hàng hóa, nông sản của bà con chạy êm ru trên đường mới, vơi đi những nhọc nhằn, lo lắng trước đây.
Những con đường bê tông mới giúp diện mạo bản làng thêm những gam màu tươi sáng
Như nhiều người dân bản Thèn Luông, ông Hoàng Văn Ổng rất phấn khởi nói: "Sau khi đường làm xong, bà con rất vui, con đường mới thuận lợi cho bà con và các cháu đi học, đi làm cũng tốt hơn trước nhiều".
Tuyến đường bê tông này có tổng chiều dài gần 760 mét, mặt đường rộng 3,5 mét, tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kết hợp cùng nguồn lực đóng góp của nhân dân.
Việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân thuận tiện hơn
Theo ông Hoàng Văn Tiện, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Thèn Luông, người dân trong bản đã đồng lòng, tham gia góp sức người, sức của cho công trình nâng cấp đường. "Trước kia giải tỏa hành lang có dính vào đất vườn đất thổ cư, tường bao, cây cối... với sự vào cuộc, vận động của ban quản lý thôn bản, nhân dân hiến đất hiến cây, bà con rất nhiệt tình ủng hộ."
Bên những con đường nối dài, rộng mở là màu xanh bạt ngàn của vùng trồng xoài đặc sản Yên Châu, cũng là sinh kế chính của bà con nơi đây. Để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nhiều chủ trương, chính sách đã được cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai; trong đó có dự án về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030.
Vùng trồng tập trung với thương hiệu xoài Yên Châu, Sơn La nổi tiếng.
Ông Hà Văn Trường, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Nà Ngà, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu cho biết: 38 hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo của bản đã được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây xoài, giúp cây sinh trưởng ổn định và đạt năng suất cao. "Tôi đã phối hợp với các đoàn thể của bản, kết hợp với khuyến nông xã, huyện tổ chức tập kết và phân phát phân bón được cấp cho nhân dân theo đúng đối tượng thụ hưởng."
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu, gần 180 hộ trồng xoài tại xã Chiềng Hặc và xã Tú Nang đã được cấp hơn 140 tấn phân bón hữu cơ. Nguồn hỗ trợ không chỉ đáp ứng nhu cầu của nông dân mà còn góp phần phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm xoài, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.
Các cấp, các ngành quan tâm hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm xoài.
Ông Phạm Văn Thảnh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu, Sơn La cho biết: Chúng tôi đã tập huấn xong, cấp phân bón được 50%, người dân đã bón hết lượng phân bón đã được cấp trong thời gian vừa rồi.
Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đã trở thành “đòn bẩy” giúp Yên Châu từng bước xóa đói, giảm nghèo, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Tỷ lệ giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số của huyện giảm trung bình 3%/năm, bà con được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Cuộc sống bà con vùng dân tộc thiểu số đổi thay từng ngày.
Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, Sơn La cho biết: Chúng tôi cho rà soát tất cả các xã, thị trấn có đối tượng cần hỗ trợ để tập trung các nguồn lực thực hiện. Với Yên Châu khó khăn cũng nhiều nhưng quan trọng là chúng tôi đã yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, giao cho từng tổ của từng đồng chí thường vụ phụ trách, tập trung chỉ đạo các phần việc; đối với người dân thụ hưởng, chúng tôi yêu cầu khi được bàn giao, phải có trách nhiệm bảo vệ công trình được Nhà nước đầu tư xây dựng; các xã, bản cũng phải gắn trách nhiệm rõ ràng.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã và đang tiếp tục lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đảm bảo những hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, từng bước rút ngắn khoảng cách vùng miền, nâng cao đời sống người dân; đồng hành với bà con miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La trong hành trình vượt khó, vươn lên.
Theo: vov.vn