(phunuvietnam.vn) - Người Mông ở huyện Mộc Châu (Sơn La) coi bánh giầy tượng trưng cho Mặt trăng và Mặt trời. Bánh giầy còn là biểu tượng cho sự thủy chung của đôi trai gái.
Giã bánh giầy. Ảnh: TTXVN
Loại bánh này không đơn thuần là một món ăn có từ lâu đời mà còn là loại bánh mang nghi thức cúng lễ, không thể thiếu trên ban thờ của gia đình người Mông mỗi dịp lễ, Tết.
Giống như người Kinh, người Mông dùng gạo nếp để làm bánh. Gạo nếp nương thơm dẻo, được vo qua, ngâm trong nước khoảng 3-4 giờ, vớt ra để ráo rồi cho vào chõ để đồ. Khi xôi chín, còn đang bốc khói sẽ được cho ngay vào cối giã thật nhuyễn.
Cối được làm từ thân cây khoét rỗng nên có hình dáng như chiếc máng. Vồ giã cũng làm bằng gỗ tốt nên rất cứng và nặng.
Tuy không cần nhiều kỹ năng nhưng công đoạn giã bánh giầy khá nặng nhọc, đòi hỏi người giã phải có sức khỏe, sự bền bỉ. Thường thì việc giã bánh do nam thanh niên đảm nhiệm. Các chàng trai sẽ cố gắng giã thật nhanh tay cho đến lúc xôi vẫn còn ấm mà đã đủ dẻo, đủ mịn và thật nhuyễn là hoàn thành.
Sau khi các chàng trai dừng tay là lúc các cô gái thể hiện sự khéo léo. Đầu tiên, họ sẽ nặn bánh hình tròn rồi bọc bánh bằng lá chuối đã hơ qua lửa. Sau đó, họ dùng tay ép nhẹ bánh để tạo hình tròn trịa như hình Mặt trăng, Mặt trời. Do được giã kỹ nên bánh giầy rất dẻo, ngon và giữ được lâu.
Người Mông chỉ làm bánh giầy trong những dịp lễ, Tết. Nơi làm bánh luôn là điểm hẹn của nam, nữ trong bản. Đó là nơi các chàng trai phô diễn sức mạnh, các cô gái thể hiện sự khéo léo và không ít đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng từ hoạt động này.
Ngày nay, trong các lễ hội văn hóa lớn ở huyện Mộc Châu vẫn có tiết mục trình diễn làm bánh giầy của người Mông. Du khách sẽ tham gia trải nghiệm làm bánh, cùng thưởng thức những chiếc bánh còn thơm mùi nếp.
Theo: phunuvietnam.vn