Người viết bức thư đặc biệt ấy là cô giáo Quàng Thị Xuân (SN 1990, dân tộc Thái), Phó hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn – một ngôi trường nằm trong xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.
Còn người nhận bức thư đặc biệt này là cô Quãng Thị Thu Cúc – giáo viên trường Mầm non Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM).
Cô Quàng Thị Xuân chụp ảnh cùng học trò.
Theo cô Xuân, với nhiều em học sinh nơi đây, việc đến trường, được học con chữ, biết thêm những điều mới mẻ về thế giới ngoài kia không chỉ là mơ ước mà còn là hành trình đầy gian nan. Thế nhưng, chính những điều kiện thiếu thốn ấy lại là động lực thôi thúc nữ giáo viên và đồng nghiệp cố gắng hết mình, để học trò được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến.
Với mong muốn hiểu rõ hơn việc dạy và học nơi đảo xa, cũng như những khó khăn thách thức trên hành trình gieo mầm tri thức, cô Xuân quyết định viết thư gửi tới các đồng nghiệp nơi đây.
“Các anh chị đồng nghiệp thân mến! Theo em được biết, để dạy học ở nơi hải đảo xa xôi, các thầy cô giáo cũng rất vất vả. Giữa chốn ngút ngàn trùng khơi quanh năm chập chùng sóng vỗ, em biết anh chị đã phải đương đầu với khó khăn thử thách, những thiếu thốn tối thiểu trong cuộc sống hàng ngày như nước ngọt, điện thắp sáng… Nhưng em biết rằng, anh chị vẫn kiên trì bám đảo để tiếp tục ươm mầm xanh cho nơi vùng biển mặn mòi xa xôi của Tổ quốc.
Em viết lá thư này một phần cũng vì muốn hiểu rõ hơn về việc dạy học nơi đảo xa. Chỗ anh chị công tác có còn thực trạng học sinh bỏ học không? Ở đảo cơ sở vật chất đã đảm bảo chưa, có còn phòng học tạm không? Để góp sức mình cho sự nghiệp trồng người, thầy cô đã vượt qua khó khăn như thế nào?…”, cô Xuân viết trong thư.
Bức thư viết tay của cô giáo Quàng Thị Xuân. (Ảnh: NVCC)
Nữ giáo viên vùng cao không quên nhắn hỏi, hàng năm vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy cô nơi đảo xa thường nhận được tình cảm của các trò ra sao. “Còn chúng em nơi miền núi cứ mỗi dịp 20/11 về thường nhận được rất nhiều tình cảm của các trò qua những bó hoa dại xuyến chi, dã quỳ… nhưng chúng em cảm thấy ấm lòng bởi những điều chân chất, giản dị ấy”, cô Xuân hạnh phúc kể.
Cuối thư, cô Xuân bày tỏ mong ước cùng các đồng nghiệp chung sức, chung lòng, vượt qua mọi khó khăn, vất vả của vùng miền, nỗ lực hết mình vì sự nghiệp trồng người mà thầy cô đã lựa chọn.
Bày tỏ niềm xúc động khi nhận được những lời nhắn gửi chân tình từ đồng nghiệp, cô Quãng Thị Thu Cúc nói qua thư, cô cảm thấy khoảng cách giữa biên giới – hải đảo như xích lại gần hơn.
“Bức thư giúp tôi hiểu rõ hơn về công việc, những khó khăn mà các đồng nghiệp đang công tác nơi vùng cao như chị Xuân đang trải qua. Điều này khiến cho những thách thức mà giáo viên xã đảo chúng tôi đang phải đối mặt vơi đi phần nào”, cô Cúc nói.
Theo cô Cúc, những khó khăn trong hành trình dạy học của bản thân, nhỏ hơn rất nhiều so với những gì đồng nghiệp nơi hải đảo tiền tiêu, vùng biên cương của Tổ quốc đang phải trải qua. 10 năm công tác tại xã đảo duy nhất của TP.HCM, điều khiến cô tự hào vẫn luôn là câu nói: “Tôi là một giáo viên!”.
Kim Nhung