(trangtraiviet.danviet.vn) - Ông Sồng A Mang (SN 1971) là người có uy tín bản Cáo A, xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên (Sơn La). Những việc làm của ông đã góp phần không nhỏ vào hành trình xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao Bắc Yên.
Ông Sồng A Mang, người có uy tín bản Cáo A, xã Làng Chếu
Ông Sồng A Mang, người có uy tín bản Cáo A, xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên,
tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Vinh
Ngôi biệt thự bề thế nằm trên đỉnh Gió thuộc bản Cáo A, xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên (Sơn La) là của gia đình ông Mang. Ông là người có uy tín bản Cáo A, xã Làng Chếu và ông cũng là người Mông đầu tiên của xã xây được nhà cao cửa rộng. Cạnh đó là xưởng chế biến dong riềng lớn nhất vùng cao Bắc Yên (Sơn La) và hiện tại có cả chục lao động đang làm việc cho ông. Ông Mang cũng đang tất bật đi kiểm tra sản xuất, hết ở xưởng làm bột, ông lại vòng lên xưởng làm miến. Cả ngày ông đi lại như con thoi, chẳng chịu ngơi nghỉ chân tay. Ông không chỉ làm giàu cho mình mà còn giúp cả vùng cao nơi đây có công ăn việc làm và có thu nhập.
Ông Mang sinh ra và lớn lên ở bản Cáo A trong gia đình có đông anh em. Cũng giống như bao gia đình người Mông khác ở vùng cao Bắc Yên, nhà ông cũng nghèo khó. Cả đời vất vả trên nương lần hồi kiếm miếng ăn. Cách đây 20 năm, để đến được với Làng Chếu phải vượt qua mấy chục km đường rừng. Giao thông đi lại khó khăn khiến cuộc sống của bà con người Mông chỉ giới hạn sau dãy núi Tà Xùa cao chất ngất giữa từng không.
Ngôi nhà bề thế trên đỉnh Gió của gia đình ông Sồng A Mang, người có uy tín bản Cáo A, xã Làng Chếu,
huyện Bắc Yên (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh
Ngày đó gia đình ông Mang trồng ngô, trồng dong riềng… Mỗi khi mùa thu hoạch đến, bà con người Mông cần mẫn, nhẫn nại gùi từng chuyến lên đường cái để bán sản phẩm nông nghiệp cho tư thương. Giá bán ngô, dong riềng rẻ như cho. "Gia đình tôi cũng vậy, ai khỏe lắm, một mày mới gùi được 3 chuyến từ bản lên đường cái. Đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được vài đồng bạc lẻ. Hơn nữa, do đường xá đi lại khó khăn, nên sản phẩm nông nghiệp bị tư thương ép giá", ông Mang chia sẻ.
Phát huy vai trò của người có uy tín
Lối mòn từ bản và khu sản xuất lên đến đường cái dài 5km. Việc đi lại của bà con chỉ là những đôi chân trần. Nông sản được làm ra chuyển về bản hay chuyển đi bán đều bằng đôi vai của người dân. Ông Mang cũng trải qua những nỗi vất vả cực nhọc đó, nhưng ông lại có suy nghĩ lớn hơn là: Tại sao mình lại không mở rộng đường cho ô tô đi về bản để giải phóng đôi vai của bà con.
Con đường dài 5km nối từ trung tâm xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên (Sơn La) vào bản và khu sản xuất của bản Cáo A.
Ảnh: Nguyễn Vinh
Ý tưởng đó đã được ông Mang nung nấu nhiều năm liền. Trong các cuộc họp bản, ông đưa việc làm đường ra bàn với bà con. Khi đó, nhiều người không đồng tình với cách làm của ông Mang. Bà con cho rằng, để mở con đường rộng 4m vắt qua những triền núi sẽ tốn rất nhiều công. Sức người không thể làm nổi. Hơn nữa, khi mở đường rộng sẽ đi qua đất nương của nhiều hộ gia đình. Có những hộ phản đối ra mặt là nhất quyết không chịu hiến đất. Đứng trước một núi khó khăn, ông Mang vẫn cương quyết giữ quyết tâm của mình là làm cho bằng được con đường. Có đường lớn ra khu sản xuất, đời sống của bà con sẽ được nâng lên. Người dân không phải một nắng hai sương mang vác các thứ ngược núi như hiện nay.
Sau nhiều lần tuyên truyền và thuyết phục bà con trong bản, ông Mang cũng dần nhận được sự ủng hộ của bà con. Muốn mở đường lớn không thể dùng sức người được mà phải thuê máy xúc về làm. "Khi đó đời sống của bà con còn nghèo lắm. Cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn trăm bề. Giờ mà bảo bà con đóng tiền thuê máy xúc làm đường thì khó như việc vác đá lên trời", ông Mang nhớ lại. Khi đó cuộc sống của gia đình ông Mang có khá hơn các gia đình khác đôi chút. Ông nuôi được nhiều dê, trâu, bò… và làm được nhiều lương thực. Ông đã xung phong bán nông sản, bán trâu bò để thuê máy xúc mở đường ra khu sản xuất của bản Cáo A.
Việc làm tốt đẹp của ông Mang đã dần thu hút được sự ủng hộ của bà con trong bản. Ông Sồng A Su, ở bản cũng mạnh dạn đóng góp 35 triệu đồng cùng ông Mang mở đường. Nhiều hộ dân khác như Sồng A Chư, Sồng A Trống, Sồng A Tếnh đã tình nguyện ra công trường để nấu cơm và phục vụ đội làm đường.
Mỗi năm, ông Sồng A Mang, người có uy tín bản Cáo A, xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La thu mua hơn 1.000 tấn dong riềng của dân bản về chế biến. Ảnh: nguyễn Vinh
Ngày ông Mang thuê máy xúc mở đường, bà con dân bản ai cũng mừng. Sau khi nghe ông tuyên truyền, thuyết phục, họ đã đồng ý hiến đất để làm đường. Ngày ngày ông Mang cùng một số cụ có uy tín trong bản ở ngoài nương cả tháng trời để đo đạc, phóng tuyến, giám sát và hỗ trợ công việc để làm sao con đường mang lại nhiều lợi ích nhất. Ông Sồng A Tráng, Trưởng bản Cáo A chia sẻ: "Nhờ thuê máy xúc, nên việc mở đường về bản và ra khu sản xuất đã dễ dàng hơn. Việc làm của ông Mang không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với bà con dân bản mà còn góp phần nâng cao đời sống và mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con dân bản".
Chiếc máy xúc đi đến đâu là con đường to, rộng dẫn vào khu sản xuất của bản Cáo A được mở đến đó. Sau gần 1 tháng thuê máy đào xúc, con đường đã hoàn thành. Ngày đầu được đi trên con đường mới to, rộng, ông Mang và bà con người Mông nơi đây vui lắm. Thế là từ nay, đôi vai, đôi chân được giải phóng. Có đường rộng, ô tô vào tận bản, tận nương để thu mua nông sản. Bà con bán được giá hơn và giảm được rất nhiều công sức. Đến giờ thì bà con đã tin lời ông Mang tuyên truyền trước đây, con đường ô tô sẽ mở ra cánh cửa giúp bà con xóa đói, giảm nghèo.
Sản phẩm miến dong của HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp và thương mại Làng Chếu của ông Sồng A Mang thành lập.
Ảnh: Thuần Việt
Được nhân dân bầu là người có uy tín từ năm 2015, ông Sồng A Mang, bản Cáo A, xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên (Sơn La) coi đó là vinh dự và trách nhiệm to lớn để đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Không chỉ tuyên truyền, vận động nhân dân trong bản chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông còn tiên phong trong phát triển kinh tế, giúp nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất để nâng cao hiệu quả công việc, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ông Mang cũng là người đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển sản xuất tại bản Cáo A. Ngoài cây ngô, ông còn trồng dong riềng, cây sơn tra… Bên cạnh đó, ông Mang cũng tích cực vận động dân bản làm theo và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, bản Cáo A đã trồng được 75ha lúa ruộng bậc thang, 15ha dong riềng, hơn 30ha cây sơn tra. Ông Mang còn mạnh dạn mở xưởng chế biến bột dong riềng để tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Ông Sồng A Mang, người có uy tín bản Cáo A, xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã tạo việc làm cho gần 15 lao động tại địa phương với mức lương từ 6-12 triệu/người/tháng. Ảnh: Thuần Việt
Đánh giá về cách làm của ông A Mang, ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: "Ông Mang là người uy tín của bản cách đây hơn chục năm. Những việc làm thiết thực của ông đã mở ra cơ hội thoát nghèo, làm giàu cho bà con người Mông ở vùng cao của huyện Bắc Yên. Ông Mang không chỉ là một tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm và đã góp phần thay đổi diện mạo của bản làng trong hành trình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc".
Bằng những đóng góp của mình, ông Mang đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen từ tỉnh đến huyện đến xã. Năm 2020, ông vinh dự được chọn là Nông dân xuất sắc. Năm 2023, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen: Người có uy tín bản Cáo A, xã Làng Chếu đã có thành tích trong công tác dân tộc và thực hiện các chủ trương chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc.
Theo: trangtraiviet.danviet.vn