Việc chuẩn hóa các vùng nguyên liệu được ngành nông nghiệp định hướng mục tiêu trở thành quy định cho bất cứ vùng sản xuất nào.
Chuẩn hóa các vùng nguyên liệu là yếu tố quan trọng hàng đầu để mở rộng xuất khẩu nông sản. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai Đề án thí điểm 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn với diện tích gần 170.000 ha. Sau hơn hai năm thực hiện tại 13 tỉnh, giờ đây có thể xác định rõ vùng trồng cà phê, lúa, trái cây hay rừng nguyên liệu đạt chuẩn.
Sơn La đã được lựa chọn hình thành vùng cây ăn quả đạt chuẩn của phía Bắc. Hiện địa phương có hơn 82.000 ha đang cho sản lượng gần 400.000 tấn. Xoài, bưởi, na hiện là cây chủ lực gắn với quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Riêng cây na, hai năm gần đây, người dân đã mở rộng thêm các giống mới như na dứa Đài Loan, giúp mùa thu hoạch kéo dài từ tháng 6 đến tháng Giêng năm sau.
Anh Trần Ngọc Bằng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La cho biết: “Trước mắt làm để hướng theo hướng hữu cơ, đẩy mạnh phân hữu cơ lên. Đến khi nào đạt đủ điều kiện sẽ đăng ký Global GAP hướng đến xuất khẩu”.
Riêng vùng nguyên liệu huyện Mai Sơn hiện đã hình thành 200 hợp tác xã mạnh, thu hút 6 doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến. 85-90% nguyên liệu trái cây đạt tiêu chuẩn đáp ứng thị trường quốc tế.
Bà Nguyễn Hằng Nga - Giám đốc Nhà máy Doveco Sơn La chia sẻ: “Tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã ký biên bản ghi nhớ đối với UBND tỉnh Sơn La trong việc sẽ tiếp tục tham gia vào các chuỗi liên kết, tạo ra sự minh bạch và công bằng đối với cả hai bên”.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định: “Hầu hết các cơ quan của Bộ đều phải vào cuộc. Đây là một cách tiếp cận mới, chúng tôi có một đề án là xây dựng đội ngũ khuyến nông cộng đồng nằm trong vùng nguyên liệu này. Từ lực lượng khuyến nông cộng đồng này liên kết chặt chẽ, là cầu nối giữa doanh nghiệp và người sản xuất”.
Cùng với tiêu chuẩn hóa nông sản, các hạ tầng phục vụ vùng nguyên liệu cũng sẽ được đầu tư. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này đã có gần 100 km đường, ba trạm bơm và ba nhà kho kết hợp trưng bày được hoàn thành tại 5 vùng nguyên liệu. Kết quả từ 5 vùng thí điểm đạt chuẩn đang lan tỏa mạnh mẽ.
Việc chuẩn hóa các vùng nguyên liệu được ngành nông nghiệp định hướng mục tiêu trở thành quy định cho bất cứ vùng sản xuất nào. Đó sẽ là con đường để nông sản có thể nâng cao giá trị, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong 10 trung tâm chế biến nông sản của thế giới
Ban Thời sự