Để phát triển các sản phầm du lịch đặc sắc của tỉnh UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, xây dựng sản phẩm mới và làm mới sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch.
Khu du lịch Rừng thông bản Áng, huyện Mộc Châu.
Thời gian qua Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Tổng cục Du lịch, các chuyên gia du lịch, công ty lữ hành và UBND các huyện thành phố tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng về tài nguyên du lịch, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương từ đó định hướng cho các địa phương xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, xây dựng sản phẩm mới và làm mới sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài đến với Sơn La. Các ngành, địa phương đã thành lập đoàn công tác tổ chức khảo sát, đánh giá, thẩm định điều kiện công nhận các khu, điểm du lịch. Tỉnh Sơn La đã công nhận được 05 khu, điểm du lịch đủ điều kiện theo Luật Du lịch gồm: Khu du lịch Rừng thông bản Áng, huyện Mộc Châu; Điểm du lịch Thác Dải Yếm, huyện Mộc Châu; Điểm du lịch Pha Đin Top, huyện Thuận Châu; Điểm du lịch Rừng Vàng, thành phố Sơn La; Điểm du lịch Đền Hang Miếng, huyện Vân Hồ.
Cùng với đó tỉnh tập trung phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc như: xây dựng đội văn nghệ dân gian biểu diễn hát dân ca, múa dân gian, nhạc cụ dân tộc tại bản Bon, huyện Quỳnh Nhai; bản Tà Xùa, huyện Bắc Yên; bản Hua Tạt, huyện Vân Hồ; bản Tà Số, huyện Mộc Châu; bản Noong Đúc, thành phố Sơn La. Xây dựng sản phẩm trích đoạn lễ hội truyền thống các dân tộc đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, trải nghiệm của khách du lịch: Lễ hội Kin Pang Then, huyện Quỳnh Nhai, Lễ hội Hết chá huyện Mộc Châu, Lễ hội Hoa ban huyện Vân Hồ, Lễ hội Mừng cơm mới huyện Mường La. Triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình cải thiện sinh kế thông qua hoạt động giới thiệu du lịch nông nghiệp đến các bản dân tộc thiểu số ở vùng đồi núi Việt Nam” tại Bản Bó thành phố Sơn La; phối hợp với Dự án GREAT triển khai thực hiện mô hình du lịch cộng đồng bản Tà Số, bản Vặt huyện Mộc Châu.
Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourit) đã cử chuyên gia du lịch hỗ trợ tỉnh Sơn La nghiên cứu xác định tài nguyên du lịch, tiềm năng, thế mạnh để tập trung xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt tại Bản Khá, xã Sập Vạt huyện Yên Châu; Xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch đến Sơn La.
Tỉnh cũng tập trung triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP nhằm khẳng định xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm để kích cầu sức mua sản phẩm của khách du lịch. Các huyện, thành phố tập trung phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, làm mới sản phẩm như: Huyện Mộc Châu phát triển bản du lịch cộng đồng Tà Số; khu phố đi bộ - Chợ đêm, bản du lịch cộng đồng bản Dọi, bản du lịch Nà Sàng. Huyện Mai Sơn đưa khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi vào hoạt động gắn phát triển du lịch. Huyện Mường La xây dựng sản phẩm “Du lịch Thủy điện Sơn La - Công trình lớn nhất Đông Nam Á”, phát triển du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến. Huyện Quỳnh Nhai phát triển du lịch sinh thái lòng hồ; du lịch trải nghiệm của HTX du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, HTX du lịch cộng đồng Bản Bon; Khu du lịch văn hóa tâm linh Linh Sơn Thủy Từ và Đền Nàng Han, Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát; Tượng đức Phật A Di Đà …
Trong năm 2022 tỉnh Sơn La đã tập trung đầu tư và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch 03 sản phẩm du lịch mới độc đáo, khách biệt, chuyên nghiệp: Cầu kính Bạch Long, Làng Bắc Âu, khu phố đi bộ - Chợ đêm thuộc khu du lịch quốc gia Mộc Châu, đây là sản phẩm du lịch có sức lan tỏa thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Sơn La đông hơn, ở lại lâu hơn góp phần quan trọng vào hoàn thành chỉ tiêu khách du lịch năm 2022 của tỉnh.
Diệp Hương