Kinh tế tuần hoàn không chỉ còn là khái niệm trong sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh chi phí đầu vào ngày càng tăng, tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Thời gian qua tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn nông hộ, HTX áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu kép tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Chăn nuôi nhiều năm, từng nằm trong nhóm hộ xả thải thẳng ra môi trường. Nhưng 2 năm trở lại đây, sau khi được tập huấn theo hướng chăn nuôi sạch mọi thứ đã thay đổi với gia đình ông Đỉnh. Từ vài khối phân lợn, phân bò mỗi tháng, thay vì xả bỏ, nay được gia đình ông Đỉnh thu gom vào hố ủ và xử lý thành phân vi sinh bón cho cây ăn quả, xen cây cà phê.
Ông Quàng Văn Đỉnh, xã Muổi Nọi, Sơn La: “Thu gom rác với phân vào rồi ủ, rồi trở lên nương. Bây giờ thì cà phê cà pháo có phân lên thì rất hiệu quả, cây cối rất tốt, cà phê thì quá tuyệt vời luôn. Mình còn đẩy nước phân cho vào hố, xong ủ tầm 1 - 2 tháng xong bơm lên 500m, tưới phải nói là không còn gì để nói quá tốt”
Không chỉ tận dụng chất thải để làm phân hữu cơ, nhiều hộ còn tiến hành xây dựng hầm bioga để thay thế chất đốt. Giảm ô nhiễm, giảm chi phí, chất thải chăn nuôi từ chỗ “xả bỏ” nay đã trở thành nguồn tài nguyên kép: vừa làm phân bón, vừa làm nhiên liệu sạch phục vụ gia đình.
Bà Đỗ Thị Loan, xã Muổi Nọi, Sơn La: “Khi gia đình chưa sử dụng bioga thì ảnh hưởng tới môi trường, hàng xóm rất là nhiều. Từ khi có bioga đã giảm chất thải rất là nhiều, ngoài giảm chất thải, gia đình còn sử dụng để làm chất đốt, đun nấu. Bây giờ gia đình rất vui khi không phải mất tiền để mua ga hàng năm. Ngoài sử dụng đẻ đun nấu gia đình hàng ngày, bioga còn được tiến hành để đun nấu phục vụ cho chăn nuôi”
Cũng lựa chọn hướng đi nông nghiệp tuần hoàn, Tại HTX Thành Cường, xã Mai Sơn đang triển khai mô hình canh tác mận bằng chế phẩm hữu cơ đang cho những kết quả bước đầu. Nếu như canh tác theo lối truyền thống, cỏ sẽ được bị tận diệt, tuy nhiên đối với các thành viên HTX Thành Cường, cỏ không bị nhổ bỏ mà được nuôi tự nhiên. Khi phát triển đến giai đoạn nhất định, cỏ được phát và phối trộn rơm và phân chuồng ủ men vi sinh để ủ gốc làm phân bón cho cây.
Ông Lèo Văn Lếch, Giám đốc HTX Thành Cường, Sơn La: “Đơn giản nhất về nông nghiệp tuần hoàn mà HTX chúng tôi đang áp dụng đó chính là nuôi cỏ đến giai đoạn nhất định chúng tôi sẽ phát cỏ để tủ gốc làm thức ăn cho cây. Ở đây chúng tôi nói không với thuốc diệt cỏ hay bất kể tác động nào khác ngoài thuần tự nhiên để giữ chân khách hàng của mình”
Với hơn 8 triệu con gia súc, gia cầm và trên 85.000 ha cây ăn quả, Sơn La mỗi năm phát sinh khoảng 1,5 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp. Nếu được tận dụng hiệu quả, đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào cho nền nông nghiệp tuần hoàn trong tương lai.
Ông Đinh Công Thuỷ, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp khu vực 3: “Từ việc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật người dân đã từng bước áp dụng và đón nhận đã cho thấy một số kết quả trong thời gian gần đây. Trong các năm tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục quy trình sản xuất theo kinh tế tuần hoàn. Tận dụng các chất thải chăn nuôi để nuôi giun quế, áp dụng các mô hình khép kín từ khâu đầu vào, đến khâu đầu ra để thu gom triệt để phục vụ cho sản xuất trong trồng trọt và chăn nuôi”.
Từ thay đổi trong nhận thức, đến đổi mới trong hành động, kinh tế tuần hoàn không chỉ là giải pháp, mà đang trở thành xu thế tất yếu để Sơn La hướng đến một nền nông nghiệp xanh, và bền vững.