Chủ trương chuyển đổi cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả của tỉnh Sơn La đã mang lại cuộc sống ấm no hơn cho nhân dân các dân tộc. Nhờ có chủ trương đúng, đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La nói chung và ở xã biên giới Lóng Sập, thị xã Mộc Châu đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tạo đất, canh tác bền vững để thoát nghèo và xây dựng bản làng biên giới giàu đẹp.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quà, người dân xã Lóng Sập, thị xã Mộc Châu đã chuyển đổi sang trồng mận hậu, cam canh, bưởi… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc thực hiện bón phân theo chu kỳ phát triển của cây, cắt tỉa cành khoa học đã giúp cây cho thu quả ổn định. Các loại cây này khi được chăm sóc đúng kỹ thuật có thể cho thu hoạch đến vài chục năm.
Ông Hoàng Văn Thoa, xã Lóng Sập, thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La “Trước kia số đất này nhà mình trồng cây ngô, cây sắn, cây dong nhưng mà nó không thấy hiệu quả. Bây giờ mình chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây bưởi, cây cam. Nói chung là sau quá trình chăm sóc thì bây giờ nó cũng cho ra trái, cho ra quả rồi. Thấy cuộc sống sẽ khá hơn; là nó sẽ cho tốt hơn là là trồng ngô với trồng dong”.
Chị Tạ Thị Nhung, xã Lóng Sập, thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La “Mùa mận hậu của em năm nay của gia đình em so với mọi năm là khá. Mận trái vụ thì đã thu được tầm 52 triệu rồi. Còn bây giờ thì vào vụ mận mùa và nó đang chín dần đến cuối vụ thì chắc cũng sẽ thu được khá hơn mọi năm. So với trồng ngô thì mọi năm phân giống đắt, nhưng đến lúc mình bán ra sản phẩm thì rẻ. So với trồng mận mà đều đều như năm nay thì mận sẽ được hơn so với trồng ngô”.
Phiêng Cài là bản người Mông đầu tiên của xã Lóng Sập thực hiện chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc. Với diện tích canh tác lên đến 200 ha, sau gần 10 năm chuyển đổi, mận hậu, chanh leo, lê đã phủ xanh đồi núi trọc, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ khá, giàu.
Ông Tráng A Thái, bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La “Từ năm 2018 thì gia đình tôi bắt đầu trồng thì cũng đạt hiệu quả kinh tế đạt so với các cây ngắn ngày như cây ngô, cây dong riềng thì cây chanh leo mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Gia đình tôi trồng một ha chanh leo thì một ha đấy chúng tôi trồng ngô chỉ thu được khoảng 20- 30 triệu đồng, nhưng mà trồng chanh leo thì một năm có thể thu được 50-60 triệu đồng so với cây ngô, cây dong riềng thì đạt hơn, mang hiệu quả kinh tế cao và đi đúng con đường chủ trương của Nhà nước đã quan tâm”.
Lóng Sập là xã biên giới, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mặc dù diện tích canh tác lớn nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao. Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã đưa việc trồng cây ăn quả trên đất dốc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã để quyết tâm triển khai thực hiện. Nhờ đó, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới cũng có nhiều chuyển biến tích cực.
Ông Lò Hải Yên, Chủ tịch UBND xã Lóng Sập, thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La “Đảng ủy xã đã ra nghị quyết, mà trực tiếp là phân công cho các đồng chí đảng ủy viên phụ trách các bản xuống họp dân triển khai tuyên truyền vận động. Lấy mô hình ở một số địa bàn của xã trên địa bàn để từ đó vận động tuyên truyền và con chuyển đổi diện tích, đặc biệt là các diện tích cây trên đồi dốc kém hiệu quả kinh tế. Lâu nay bà con vẫn thuần túy là trồng cây ngô, sắn, khoai, đến bây giờ thì địa bàn đã chuyển đổi được 610 ha cây ăn quả trong những năm gần đây”.
Nhờ chủ trương đúng đắn cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân đã mang lại những kết quả tốt đẹp. Vùng đất biên cương này đã được phủ một màu xanh đầy hi vọng, nhân dân các dân tộc biên giới cũng thu được những mùa “vàng” ấm no, đủ đầy hơn./.